DANH MỤC

Lời tòa soạn: Phòng cấp cứu COVID-19, là nơi không phải ai cũng vào được, ánh đèn không bao giờ tắt, là nơi thức dậy khát vọng sống. Có những điều mãi không thể quên ở nơi người cứu người khỏi cửa tử. Bao nhiêu lời cũng khó lột tả hết, chỉ biết rằng, lúc này ở Sài Gòn, người ta chỉ mong đừng nhiễm, nhiễm rồi thì đừng trở nặng, nặng rồi thì đừng chết. Và khi tới ranh giới mong manh đó, người ta hiểu thế nào là hồi sinh… 

Sau gần 7 ngày trôi trong hôn mê, đôi mắt của Trường có thể mấp máy mở ra. Trước mặt anh rầm rập những bước chân vội vã của y bác sĩ, những chiếc máy thở hoạt động hết công suất. Trường không tin nổi mình (một F0 trở nặng) đã vượt qua "lưỡi hái tử thần" cho đến khi bàn tay ấm áp của bác sĩ đặt lên người thăm khám. Cuộc đổi khác, với Trường, bắt đầu, từ đây...

Tảng sáng, rời phòng cấp cứu Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi (TP.HCM) về phòng cách ly riêng của mình, mắt Hà Ngọc Trường (29 tuổi, Quận 1) dán vào cửa sổ, tâm thức bừng lên những hạnh phúc, ngỡ ngàng chộn rộn. Ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được nhen thêm như những tia nắng ấm áp. 

Trường bảo rằng: Bây giờ, nâng từng bàn tay, lau từng khuôn mặt, dìu từng thân thể yếu ớt của bệnh nhân hay đỡ đần y bác sĩ từng công việc đến tảng sáng là thường xuyên.  Mấy tuần qua, bao đổi thay kỳ diệu ùa đến, neo bền trong lòng Trường như một hành trình của san sẻ, yêu thương. Hành trình đó, xuất phát từ những giọt nước mắt nóng hổi cứ lăn dài trong đêm.

Trường cười hạnh phúc khi gội đầu cho những bệnh nhân nữ.

Gần hai tháng trước, xe cứu thương đưa Trường vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi. Anh như người đi giữa mịt mùng. 

Ăn không ngon, ngủ không sâu. Những mộng mị rối bời tìm đến. Ít ngày sau, ngực Trường nặng như đá đè, ho dữ dội suốt đêm. Từng bác sĩ hốc hác mắt vì lo âu chăm chút cho Trường miếng ăn, lau rửa, giúp Trường các sinh hoạt cá nhân, dỗ dành anh vào giấc ngủ. Mỗi lần giật thót choàng tỉnh, hai dòng nước mắt anh cứ rớt xuống gò má.

Ngày bệnh chuyển nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, Trường được đưa xuống phòng ICU cấp cứu. Oxy chụp vào, mắt Trường nhòa đi trong mờ ảo rồi trôi vào miên man.

Vậy nhưng, ký ức chớp nhoáng trong phút giây ấy vẫn kịp lưu lại những lời thúc giục: "Trường ơi đừng gục ngã, đừng buông xuôi, rồi em sẽ được ra viện, được thở khí trời". 

Đó là những lời từ đáy sâu gan ruột của một bệnh nhân khác vừa "vượt cửa tử" cùng các y bác sĩ phòng cấp cứu.  Rưng rưng xúc cảm, Trường bảo giây phút ấy, những lời động viện ấy như ánh đèn lóe sáng giữa mịt mùng.

Trường sẽ nhớ mãi. Xưa kia chỉ thấy hình ảnh cha mẹ mình chăm lo từng việc nhỏ, cuồn cuộn sự lo âu khi mình ốm thì giờ hội đủ cả trong mỗi người thầy thuốc ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi này.

Lúc đó bừng lên khát vọng chỉ mong được thở khí trời. Ít ngày thôi, để nói những lời cảm tạ với các thầy thuốc vì những điều cao cả họ đã làm cho mình.

Ngày ngón tay có thể cử động, mắt hé mở ra, với Trường là ngày đặc biệt nhất. Xoa đôi tay liên tục cho bớt tê sau một ngày dài sát cánh cùng y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, anh thổ lộ: "Đến giờ này tôi vẫn cứ ngỡ mình đang mơ. Lúc mới "từ cõi chết" trở về, nghe bác sĩ báo tin vui xong, víu vào tay bác sĩ lắc mạnh nhiều lần mới tin mình còn sống".

Ngực dần bớt nặng. Hàng ngày các bác sĩ vẫn đến thăm khám chu đáo. Trường bảo rằng: "Khi thoát khỏi nguy kịch, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân khác rơi vào hôn mê hoặc phải thở oxy trong tôi có sự đổi thay rất kỳ lạ".

Lúc nào trong ý nghĩ cũng giục giã khát vọng ở lại nơi này giúp đỡ bác sĩ lẫn các bệnh nhân nặng. 29 tuổi, không còn quá non nên Trường thấm hiểu những đớn đau khi gánh trên mình bệnh tật. Cũng hơn ai hết, anh hiểu tận cùng hai chữ "hạnh phúc" khi được cứu từ vực thẳm trở về. 

"Lúc đó tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là nhanh khỏi bệnh. Khỏi để hàng đêm, hàng ngày giúp bệnh nhân và bác sĩ" - Hà Ngọc Trường nói.

Ước nguyện của Trường được đáp ứng hơn 3 tuần trước, các xét nghiệm của anh với COVID-19 liên tục âm tính. Lịch trình của Trường trong mỗi ca làm việc là: Đưa nước uống, phần ăn đến từng bệnh nhân.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: Từ “cõi chết” trở về (P1) - 5

Bây giờ, đối với Trường, nâng từng bàn tay, lau từng khuôn mặt, dìu từng thân thể yếu ớt của bệnh nhân hay đỡ đần y bác sĩ từng công việc đến tảng sáng là thường xuyên.

Người mới hay cũ khi nằm một chỗ thì Trường thay tã, cho bệnh nhân xúc miệng, đút cho ăn sáng, đỡ ra giường, ai đi vệ sinh thì Trường dìu đi. Ai móng tay dài thì Trường cắt bớt, gội đầu, hớt tóc, lau cơ thể… 

Sợ nhất với Trường là trong những đêm dài, bệnh nhân thở oxy chợt tỉnh quờ tay làm bung dây chụp thở oxy ra ngoài. Anh giãi bày: "Mình phải thường trực ở đó để giúp các bác sĩ. Trong phòng cấp cứu gần như chúng tôi phải tiết kiệm từng phút vì cứ nhìn cảnh bệnh nhân nặng đang thiếu người chăm sóc mà mình lại lãng phí thời gian thì lòng day dứt không yên. Sức khỏe thân thể như được nâng lên bởi sự thôi thúc từ tinh thần".

Những lúc bình thường, Hà Ngọc Trường cũng phải ngỡ ngàng với chính mình. Anh bảo rằng: "Từ "cõi chết" trở về nhưng tôi có thể đêm này nối đêm kia dìu, có người còn phải gần như bế, nhất là các cụ già đi vệ sinh nhưng vẫn làm rất tốt".

BS. Tô Lê Hưng trực tiếp điều trị các bệnh nhân trong phòng cấp cứu ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi chia sẻ: "Người được cai máy thở, điều trị khỏi như Hà Ngọc Trường rồi xin ở lại cũng đỡ đần cho chúng tôi nhiều việc. Chúng tôi huấn luyện cho Trường kỹ các quy định bảo hộ. Rồi cách phản xạ nhanh trong việc đẩy máy móc, bình oxy vào phòng cấp cứu. Thực tế, ở đây lúc nào cũng có 130-140 bệnh nhân thở oxy, có người nặng (trong tổng số 500 giường bệnh nặng, phải hồi sức). Mỗi bác sĩ phải lo cho rất nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ khác". 

Y bác sĩ thì phải làm việc gấp 200-300%. Tuy nhiên, 8 chữ "hãy giành giật sự sống cho bệnh nhân" luôn được từng người khắc ghi. Khi mệt mỏi họ đều nghĩ đến điều này để vượt qua. Suốt hai tháng qua, chính bản thân bác sĩ Hưng cũng ngày đêm túc trực trong phòng cấp cứu. Nhà ở gần, anh không dám tạt về. Nhớ người thân quá thì gọi điện thoại sau mỗi ca trực.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: Từ “cõi chết” trở về (P1) - 6

Hằng ngày, Trường hay cùng các bác sĩ đi dọn vệ sinh. Lúc rảnh rỗi, Trường lại lau khắp sàn nhà.

Hàng trăm tin nhắn, những lời cảm ơn được gửi đến các y, bác sĩ trong đó có Trường, lòng nhân ái như được nhân lên. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. xúc động kể rằng: "Nhà neo người, lại ở vùng ven giáp Tây Ninh, khi bị nhiễm SASRS-CoV-2 vào đây rất lo. Sức yếu lại mắc đái tháo đường, viêm gan, nhiều lúc thở dốc rồi nằm một chỗ, chả thiết ăn uống gì. Khi ấy bác sĩ đến động viên, còn Trường thì đỡ đi làm từng việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân".

Chung nhịp lo âu với các thầy thuốc, Hà Ngọc Trường buồn nhất là có những đêm người đưa xuống phòng cấp cứu cứ tăng lên dần.

Anh bộc bạch: "Ở phòng cấp cứu này, y bác sĩ bảo tôi luôn phải tập trung cao độ. Có hôm nhanh như chớp khi thấy dây chụp oxy bệnh nhân bung ra tôi gắn lại ngay".

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: Từ “cõi chết” trở về (P1) - 8

Sau mỗi ô cửa với Trường luôn là nắng mai ấm áp.

Như sự tiếp nối mạch nguồn yêu thương và khát vọng khôi phục sức khỏe cho những bệnh nhân khác trong những ngày sắp tới, Trường bảo rằng sẽ gắn bó ở đây khi nào tan dịch thì thôi dù gia đình anh cũng có mẹ đang ốm nặng, cha lớn tuổi. Tuy nhiên, mọi người thấu hiểu nên động viên Trường giúp bệnh nhân, giúp bác sĩ được càng nhiều càng tốt. 

Hiện ngoài giờ làm việc, Trường được bố trí ở riêng một phòng nhỏ trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19, phương tiện bảo hộ luôn đầy đủ.  

Nhẩm đốt ngón tay, Trường nở nụ cười: "Có quá nhiều dấu ấn trong bệnh viện COVID-19 này. Đếm không hết được. Có người tôi đỡ đần từ lúc liệt giường, bệnh nặng đến khi đi lại được cứ nhìn nhau rồi quẹt những giọt nước mắt hạnh phúc. Có những người khi tôi nói đùa là mai mình sẽ về họ liền lặng người đi và nói rằng: Trường về rồi, bệnh nhân nhớ quá biết làm sao..."

HÀ NGỌC TRƯỜNG

"Nhớ những giây phút cảm giác như bàn tay của "thần chết" sắp chạm đến mình, tôi lại thốt lên, cuộc đời sao kỳ diệu thế!"

"Từng ngày tôi thấy có người thì nằm liệt, có cụ già thì không đi được. Có người ăn rồi cứ ói ra vấy bẩn. Tối đến thì cứ thiếp đi. Các bác sĩ thì bơ phờ vì làm việc miệt mài..."

Trường đã có kháng thể

"Về mặt nguyên tắc y khoa là khi Hà Ngọc Trường mắc bệnh COVID-19 và hoàn toàn hết bệnh thì trong người đã có kháng thể. Kháng thể đó sẽ giúp bạn Trường không bị nhiễm lại. Nghĩa là khi mắc bệnh COVID-19 mà khỏi hẳn rồi thì người mắc đó đã có kháng thể chống lại cái chủng gây bệnh cho mình nên không nhất thiết phải mặc đồ phòng hộ kín mít khi tiếp xúc, giúp đỡ bệnh nhân khác có cùng chủng gây bệnh.

Tuy nhiên các biện pháp phòng hộ khác như găng tay, khẩu trang, sát khuẩn thì phải đầy đủ, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ cho Trường và cấp các đồ thiết yếu này cho anh. Cũng hướng dẫn Trường chi tiết cách vệ sinh thân thể sau mỗi lần chăm chút bệnh nhân và hỗ trợ cho bệnh viện" - BS. Tô Lê Hưng

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: Từ “cõi chết” trở về (P1) - 9

Tác giả: HÀ VĂN ĐẠO

Thiết kế: Duy Anh

Sự kiện: Tin tức COVID-19
Thứ Sáu, ngày 06/08/2021 10:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hà Văn Đạo - Duy Anh ([Tên nguồn])