DANH MỤC

 

Erik Ten Hag đến với MU mùa hè 2022 như “tia hy vọng cuối” sau một chuỗi những HLV nắm quyền tại MU để rồi thất bại và không vươn được tới tầm cỡ của Sir Alex Ferguson. Và cho đến lúc này nhà cầm quân người Hà Lan cho thấy ông có thể sẽ là một quyền lực bất khả xâm phạm mới của sân Old Trafford như tiền bối người Scotland.

Chủ nghĩa độc tài là một hương vị được ưa thích tại Old Trafford, bởi thành công lớn của Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson. Nhưng tư duy ấy bị thách thức từ khi Fergie nghỉ hưu: Chủ sở hữu của MU, gia đình tài phiệt Glazer, không chỉ đến từ nền thể thao Mỹ (giám đốc điều hành thường có quyền lực cao hơn) mà còn sở hữu cách nghĩ của những nhà marketing luôn ngóng theo mong muốn từ số đông khách hàng.

David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer đều bị sa thải khi thành tích của MU chệch choạc và dư luận bắt đầu chống lại họ. Tuyển hay sa thải HLV trưởng chỉ là một trong nhiều khía cạnh mà MU làm việc dựa trên cảm tính của CĐV và trend trên mạng xã hội, nhưng với công thức thành công có sẵn tại CLB, mỗi lần đuổi thầy của “Quỷ Đỏ” là một lần làm các fan cựu trào ngao ngán.

Do đó quyền lực của Erik Ten Hag bị hoài nghi và thách thức đáng kể sau khi ông lên làm việc. Trong vòng 3 tháng ông phải đối phó với Ronaldo dọa bỏ CLB, 2 trận đầu tiên thua thảm hại, dư chấn sau trận thua đậm Man City và mới đây Ronaldo lại giở trò. Nhưng sau những bước lùi đó, Ten Hag cùng MU tiến thêm 2 bước, và mỗi lần nguy cơ khủng hoảng xảy ra là một lần vị thế của ông trở nên vững chắc hơn bất kỳ thời điểm nào trước kia của những HLV tiền nhiệm.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 3Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 4

D

ù trong thời nào các cầu thủ siêu sao vẫn có những quyền lực nhất định so với HLV trưởng của họ, và cuộc đụng độ Ronaldo – Ten Hag cũng không ngoại lệ. Tại Real Madrid năm 1964 điều tương tự xảy ra giữa Alfredo Di Stefano với HLV Miguel Munoz, Di Stefano cũng là một cái tôi lớn không kém Ronaldo nhưng quyết định ủng hộ Munoz của chủ tịch Santiago Bernabeu mang lại cho ông thêm 5 chức vô địch La Liga và 1 Cúp C1 trong 10 năm tiếp theo.

Nhưng cũng dễ cho Bernabeu bởi lúc đó Di Stefano đã 38 tuổi, hơn chỉ 1 tuổi so với Ronaldo bây giờ. Di Stefano không còn ở đỉnh cao sự nghiệp để có cái uy khiến chủ tịch phải sợ mình, và Munoz thưởng Bernabeu với lòng trung thành cho CLB trong 15 năm liền, trở thành HLV duy nhất trong lịch sử Real cầm quân được hơn 1 thập kỷ

Khác với Ronaldo, Di Stefano (trái) đã bị đẩy khỏi Real Madrid khi quá già và mất phong độ

Khác với Ronaldo, Di Stefano (trái) đã bị đẩy khỏi Real Madrid khi quá già và mất phong độ

MU đón về Ronaldo trong mùa hè 2021 với một sự lạc quan lớn: CLB về đích nhì bảng Premier League mùa 2020/21 và sở hữu một số cầu thủ chất lượng để mơ về những chức vô địch. Sự bổ sung Ronaldo được xem là có thể hoàn thiện đội hình MU, ngăn Man City sở hữu anh, và tạo nên một sự hứng khởi của các fan khi “đứa con xa nhà lâu năm trở về”.

Do đó sự sụp đổ của MU mùa trước khiến Ronaldo mất giá hẳn trong mắt nhiều fan MU, bất kể anh có dẫn đầu CLB về số bàn thắng, bởi họ được thấy một MU không Ronaldo đá tốt thế nào trước đó 1 năm. Nhưng Ten Hag vẫn cần một lý do để giảm bớt ảnh hưởng của CR7 trong đội, và ông có cơ hội không thể hoàn hảo hơn.

Cả 2 sự kiện Ronaldo gây chuyện từ đầu mùa giải đều khó có thể chê trách MU: Siêu sao người Bồ Đào Nha muốn bỏ CLB để đi ké vé dự Cúp C1 ở một đội khác thay vì đá Europa League, dù tấm vé Europa League có sự góp phần của Ronaldo trong đó. Và khi Ronaldo tự ý bỏ về trước khi trận gặp Tottenham kết thúc, chỉ có hình ảnh của anh bị hoen ố vì anh dám làm thế trong lúc đội thắng trận.

Sir Alex Ferguson và cựu chủ tịch MU Martin Edwards

Sir Alex Ferguson và cựu chủ tịch MU Martin Edwards

Những hành động của Ronaldo đặt ban lãnh đạo MU vào thế không thể làm khác, họ phải ủng hộ Ten Hag vì Ronaldo công khai chống lại những gì đội bóng đang xây dựng. Một siêu sao hết thời không thể lật được một HLV trưởng đang nắm lòng tin từ người hâm mộ, và dù siêu sao đó có lượng fan hùng hậu trên mạng để cổ vũ cho anh, các sếp lớn MU không ngớ ngẩn tới mức nghĩ đó là những tiếng nói đại diện cho quyền lợi của CLB.

Hãy thử tưởng tượng chủ tịch Martin Edwards nghe theo những lời kêu gọi sa thải Alex Ferguson trên các khán đài và mặt báo vào năm 1990, liệu MU có thành công vang dội trong kỷ nguyên Premier League? Sự hy sinh Ronaldo để củng cố quyền lực của Ten Hag sẽ là bước đi cực kỳ quan trọng cho MU vào lúc này, nếu họ sẵn sàng tin vào một nhà độc tài mới.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 7Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 8

N

hưng để quyết định trừng phạt Ronaldo có giá trị, Ten Hag phải giúp MU và sau 2 trận đầu của mùa giải người ta nghĩ ông sẽ không làm được. MU rời rạc, rệu rã tinh thần thi đấu trong 2 trận thua Brighton và Brentford khiến trận gặp Liverpool ở vòng 3 Ngoại hạng Anh bị xem là thời cơ để Liverpool có thêm một màn hủy diệt “Quỷ Đỏ” nữa.

Ten Hag quyết định tạm gạt sang một bên phong cách chơi bóng ép sân quen thuộc, đẩy Harry Maguire & Luke Shaw lên ghế dự bị và dàn xếp một lối chơi phản công để mang về thắng lợi 2-1. Một chuỗi trận thắng được tiếp nối với cao điểm là thắng lợi 3-1 trước đội đầu bảng Arsenal cũng với lối chơi tương tự, và những tân binh như Eriksen, Martinez, Malacia và Antony gây được ấn tượng mạnh mẽ.

Derby Manchester như một gáo nước lạnh, nhưng cũng chỉ là một trận thua và nó chỉ nhắc nhở các cầu thủ MU rằng trình độ của họ còn cách xa Man City thế nào. Không ngã lòng sau thất bại đó, MU bất bại liên tiếp 6 trận với 4 chiến thắng, và việc họ giành 5 điểm trong 3 vòng đấu gần nhất trước toàn các đội mạnh là một kết quả tích cực.

 

 

Thậm chí trong 3 trận gần nhất người ta thấy sự trở lại của phong cách ép sân mà Ten Hag mong muốn áp đặt. Họ kiểm soát bóng vượt trội và dứt điểm nhiều hơn trước Newcastle, Tottenham lẫn Chelsea, và khi một đội bóng có thể đá như vậy trước những đối thủ lớn và thu về kết quả tích cực, thường đấy là dấu hiệu của những bước tiến lớn.

Những kết quả tốt của MU khiến uy thế của Ten Hag càng mạnh hơn, nên những quyết định như “xử lý” Ronaldo cũng dễ dàng được ban lãnh đạo CLB lẫn các cổ động viên đón nhận hơn. Lẽ phải hay thuộc về những người chứng minh được thực lực.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 10Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 11

H

è này Ten Hag muốn gì được nấy khi ban lãnh đạo MU sẵn lòng dốc hầu bao để mua cầu thủ mà ông muốn, bao gồm của vụ theo đuổi Frenkie De Jong không tới đâu. Những tân binh MU khiến nhiều người cười cợt rằng ông đang muốn biến MU thành “Ajax 2.0” vì toàn các cầu thủ từ CLB cũ hoặc đá ở giải Hà Lan.

Tuy nhiên khi MU thắng thì điều đó chẳng còn là vấn đề nữa, và sự tỏa sáng của những Malacia, Martinez, Antony hay Eriksen khiến vị thế của Ten Hag càng vững vàng. Dù vậy chúng ta không thể không nhắc đến một yếu tố khác, đó là sự bám víu của không ít cầu thủ MU sẵn ở CLB vào vị HLV trưởng mới.

 

 

Ví như Marcus Rashford, mùa 2021/22 là một bóng đen trong sự nghiệp của anh nhưng không phải ai cũng thông cảm cho Rashford sau khi nén đau đá cả mùa 2020/21 để đưa MU về nhì, rồi trì hoãn phẫu thuật để dự EURO 2021. Ole Gunnar Solskjaer vắt kiệt sức lực Rashford rồi ném anh giữa bầy sói dư luận, do đó Ten Hag là niềm hy vọng cho tiền đạo này.

Rashford ít nhất từng được đá chính, còn với Diogo Dalot sự xuất hiện của Ten Hag là cơ hội đầu tiên của anh tại Old Trafford và anh đã nắm lấy. Dalot tất nhiên được tin dùng còn vì MU chưa mua ai để thay thế Aaron Wan-Bissaka, nhưng sau khởi đầu mùa bóng rất nổi bật của hàng phòng ngự MU mà Dalot là một phần quan trọng, vị thế của cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng ngày một nâng cao.

Chúng ta cũng có thể nói điều tương tự về De Gea, Fernandes, Luke Shaw, McTominay và thậm chí gần đây cả Fred. Ten Hag đang có được lòng trung thành của rất nhiều học trò dưới quyền bởi ông cho họ cơ hội làm lại trong lúc chịu búa rìu dư luận. Ngay lúc này ông vẫn chưa “khép cửa” với Ronaldo, chưa tước băng đội trưởng của Maguire và đang chưa vội đưa Jadon Sancho lên ghế dự bị dù sa sút đáng kể thời gian qua.

 

 

Cầu thủ sao mà không hết mình được với một HLV như vậy? Chúng ta thấy được một sự thay đổi trong ý chí chiến đấu của MU, từ màn ngược dòng tại Goodison Park cho tới bàn gỡ hòa ở Stamford Bridge. Các cầu thủ không khuất phục không chỉ vì ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, mà còn vì lòng biết ơn muốn báo đáp chủ tướng.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 14Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 15

Đ

ây mới chỉ là sự khởi đầu và để Erik Ten Hag trở thành một Sir Alex Ferguson thứ hai, ông phải có thành công đi kèm mà điều đó không dễ dàng trong kỷ nguyên Man City được Pep Guardiola dẫn dắt. Pep là gương mặt đại diện cho Man City nhưng đằng sau ông còn có một đội ngũ hỗ trợ hùng hậu, và bên cạnh ông có Txiki Begiristain trong vai trò giám đốc thể thao để hoạch định chiến lược lâu dài.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 16

Trong khoảng nửa thế kỷ qua MU gần như là đội bóng duy nhất ở một giải VĐQG hàng đầu trao quyền tuyệt đối cho HLV trưởng do thành công của Sir Matt Busby. Kinh nghiệm huấn luyện đội bóng ở quân đội khiến Sir Busby tin rằng chỉ có HLV trưởng biết điều gì tốt nhất cho tập thể của mình, chứ không phải các giám đốc hay chủ tịch.

Nhưng khi Sir Busby nghỉ hưu năm 1971, lúc này các CLB Anh khác không ai đi theo định hướng đó, kể cả Liverpool của Bill Shankly hay Derby County của Brian Clough. Họ đều là những HLV trưởng có sức hút với công chúng nhưng vẫn cần đồng minh trong ban giám đốc hoặc cần sự yêu mến của chủ tịch để mua/bán cầu thủ như ý mình. Khi Alex Ferguson nắm MU năm 1986, ông chưa được trao toàn quyền ngay mà phải chờ tới giữa những năm 1990, và cả sau này vẫn phải dựa vào David Gill.

Liệu Ten Hag có nên được trao toàn quyền? MU có lẽ sẽ phải đạt được một sự dung hòa giữa hai đường lối, và họ có vẻ đang làm vậy bởi cuộc săn tìm giám đốc thể thao vẫn đang tiếp tục. Ngày nay việc săn tìm cầu thủ diễn ra ở cấp độ toàn cầu chứ không còn ở trong nước như thời của Sir Busby hay những năm đầu của Ferguson nữa, và Ten Hag không có thời gian để làm công việc của giám đốc thể thao.

Phương hướng hợp lý trong những năm gần đây là giám đốc thể thao hiểu được cách chơi mà HLV áp dụng để mua cầu thủ căn cứ theo đó (HLV thích đội hình 3 hậu vệ thì không thể mua hậu vệ quen đá hàng thủ 4 người), nhưng không nhất thiết phải luôn mua đúng như đòi hỏi của HLV trưởng. Đây là cách Liverpool mua quân dưới thời Jurgen Klopp và vì sao Klopp có trong tay những Mane & Salah, họ vốn không phải mục tiêu Klopp muốn nhưng trở nên cực kỳ quan trọng trong thành công của CLB.

Ten Hag có thể sẽ hy vọng được nắm quyền lực như Guardiola ở Man City

Ten Hag có thể sẽ hy vọng được nắm quyền lực như Guardiola ở Man City

Bản thân Ten Hag có lẽ cũng không muốn toàn quyền, thành công của ông ở Ajax có ảnh hưởng lớn từ Marc Overmars điều hành đằng sau. Chỉ cần HLV người Hà Lan được các ông chủ ủng hộ trong việc thiết lập kỷ luật & trị quân mà không để ai khác ý kiến thêm vào, như cách ông xử lý tình huống Ronaldo, như vậy cũng đủ tái lập một mô hình thời Sir Alex.

Ten Hag "hi sinh" Ronaldo, củng cố quyền lực tối thượng ở MU? - 18

Content: Hoàng Quân

Media: Hoàng Quân

Thứ Năm, ngày 27/10/2022 13:34 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Q.D ([Tên nguồn])