8x ôm 500 triệu mua mảnh đất cả làng chê, nhiều người trả gấp 4 lần không thèm bán

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không những mua được đất với giá rẻ hơn mặt bằng chung rất nhiều, chị Hường còn có thể có số tiền lãi hàng tỷ đồng chỉ sau 2 năm nhờ đầu tư mua mảnh đất “cả làng chê”.

Chị Cao Thị Hường (SN 1988), trú tại Phú Thọ cho biết, hai vợ chồng chị quê ở Phú Thọ, ra Hà Nội lập nghiệp. Chồng làm thợ cơ khí với mức lương 13-15 triệu đồng/tháng, vợ làm giáo viên mầm non với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng.

“Tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng tiền thuê trọ, sinh hoạt ở Hà Nội cho gia đình 4 người khá tốn kém nên hơn 10 năm ở Hà Nội, vợ chồng tôi tiết kiệm chỉ được khoảng gần 500 triệu đồng. Giấc mơ sở hữu nhà Hà Nội thật sự quá xa vời”, chị Hường cho biết.

Mỗi tháng, trừ các chi phí, chị Hường chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng. Mới đầu, chị tích cóp rồi gửi tiết kiệm hoặc mua vàng cất giữ. Trầy trật mãi số tiền trong tài khoản mỗi năm tăng lên không đáng kể.

“Bản thân tôi nghĩ, vợ chồng đều có học vấn, nghề nghiệp ổn định nhưng nếu cứ như thế này thì làm cả đời cũng không giàu lên được. Tài sản cũng chẳng có gì ngoài 2 đứa con và mấy đồng bạc lẻ. Vì vậy, tôi quyết định phải đầu tư gì đó, không để tiền “chết” trong ngân hàng”, chị Hường kể lại.

Quyết tâm mang tiền đi mua đất, vợ chồng chị Hường "thắng lớn". (Ảnh minh hoạ).

Quyết tâm mang tiền đi mua đất, vợ chồng chị Hường "thắng lớn". (Ảnh minh hoạ).

Vào thời điểm năm 2018, quê chị có dự án đấu giá đất, chị về tìm hiểu thì bị cả nhà ngăn cản vì đó là một quả đồi được xã san lấp và mang ra đấu giá.

Theo chị Hường, khi ấy, quả đồi dù san lấp thế nào vẫn gồ ghề, không bằng phẳng, chưa kể có những tảng đá to, mấp mô. Nhiểu người còn bảo, trước đây, quả đồi đó là bãi tha ma của làng, vậy nên, 20 ô đất rao bán đấu giá đến lần thứ 3 vẫn không hết.

“20 ô đất thổ cư, mỗi ô từ 200-300 m2, giá khởi điểm chỉ có 450.000-500.000 đồng/m2. Tính ra mỗi ô đất có giá chỉ từ 90-150 triệu đồng. Vị trí đất lại cách đường quốc lộ 300 mét, cách trường học 1km. Vậy mà đấu giá 3 lần vẫn không hết vì cả làng thờ ơ, không quan tâm”, chị Hường nói.

Nghiên cứu kỹ địa hình của đất, chị Hường nhận thấy không có cơ hội thứ 2 để sở hữu mảnh đất thổ cư với giá rẻ như vậy. Trong khi đó, mảnh đất này lại gần đường quốc lộ, cách ngã tư tiếp giáp 3 xã chỉ 1km. Chị còn nghe đồn, sắp tới gần khu nhà chị sẽ xây dựng cây xăng và trạm dừng nghỉ. Vì vậy, chị dự định sẽ mang tiền về đấu giá.

Mang ý định này nói với chồng và gia đình, chị Hường bị phản đối kịch liệt khi gia đình đã có cả nghìn mét vuông đất thổ cư, ở còn không hết, mua thêm làm gì.

Tuy nhiên, chị cho rằng, đất của gia đình đều là đất ông cha để lại, chỉ được ở, không được bán. Chưa kể, người ta thường bảo “buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lời”, đất mình cứ mua để đó, mình không ở thì sau này bán lại.

“Tôi lấy ví dụ luôn cho chồng và gia đình tôi biết rằng, mảnh đất trước cửa phòng trọ của hai vợ chồng tôi,  năm 2013, họ rao bán 23 triệu đồng/m2 mãi không bán được. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm, khi quận Bắc Từ Liêm lên phường, giá đất tăng lên gấp 2-3 lần, họ kiếm tiền tỷ ngon lành. Trong khi trong 5 năm, hai vợ chồng làm cật lực chỉ để ra được hơn 200 triệu đồng”, chị Hường nói.

Nghe xuôi tai, chồng và gia đình đồng ý, chị Hường đi mua luôn hồ sơ, gửi tiền đặt cọc và tham gia đấu giá được 5 mảnh đất, mỗi mảnh 200m2 với giá 90 triệu đồng/mảnh.

Đấu giá xong, chỉ sau vài tháng, cách khu đất đấu giá chỉ chưa đầy 1km được xây dựng cây xăng duy nhất trong bán kính 7km cùng với trạm dừng đỗ, nghỉ chân. Xung quanh cây xăng lại mọc lên cửa hàng điện máy, cửa hàng tạp hoá, quán nước…

Chỉ sau 3 năm, khu đất "cả làng chê" của chị Hường đã được nhiều người quan tâm và trả giá gấp 4 lần. (Ảnh minh hoạ).

Chỉ sau 3 năm, khu đất "cả làng chê" của chị Hường đã được nhiều người quan tâm và trả giá gấp 4 lần. (Ảnh minh hoạ).

Khu đất đấu giá cũng được san phẳng, một số nhà bắt đầu xây dựng nhà ở, một số nhà lại bắt đầu mua đi bán lại với giá gấp 3-4 lần so với giá ban đầu.

“Đất của tôi đấu giá hết 90 triệu đồng nhưng sau 3 năm, có người trả 400 triệu đồng/mảnh. Nếu bán cả 5 mảnh đó, vợ chồng tôi cầm chắc số tiền lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Một con số mà trước đây nằm mơ tôi cũng không thấy. Tuy nhiên nhà tôi vẫn chưa bán vội vì dự định đất vẫn còn tăng giá tiếp khi tôi nghe nói sắp tới khu này sẽ cho xây dựng bến xe khách và trường cấp 3”, chị Hường cho hay.

Nhờ xuống tiền mua mảnh đất “cả làng chê” một cách đúng thời điểm và thông minh, vợ chồng chị Hường đã có được số tài sản mà nếu chỉ đi làm công ăn lương với mức thu nhập trung bình như trước đây thì có lẽ, phải mất hàng chục năm mới có được.

Theo anh Đào Vũ Định, Giám đốc một doanh nghiệp về Bất động sản cho biết, trường hợp như của vợ chồng chị Hường không phải là hiếm nhưng về lâu dài, chỉ có rất ít trường hợp là ăn may.

Vì vậy, khi đầu tư cần phải có sự tính toán, xem xét thật kỹ vấn đề quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương đó. Khi nắm được chủ trương, quy hoạch phát triển chung thì có thể mua trước đón đầu.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có vốn ít thì khi mua thì phải mua bằng số vốn thật mà mình có. Tránh trường hợp sử dụng vốn vay vì rất có thể trong quá trình phát triển thì hạ tầng bị lụt hoặc lãnh đạo yếu kém nên dự án đó không thực hiện được như dự định ban đầu. Điều đó dẫn đến số tiền mình bị đọng lại quá lâu ở một chỗ không phát triển được.

Ngoài ra, theo anh Định, khi sở hữu đất thì chủ đất nên cố gắng tạo ra giá trị trên mảnh đất đó thay vì mua để đó để đầu cơ vì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế quy hoạch vùng.

Nguồn: [Link nguồn]

“Tay trắng” mua nhà tiền tỷ ở Hà Nội, đây là cách vợ chồng trẻ áp dụng

“Lấy chồng xa, tôi đặt mục tiêu phải mua bằng được nhà ở Hà Nội để có thể đi về giữa 2 quê thuận lợi nhất....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN