Tràn lan dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng dù chưa được pháp luật cho phép

Sự kiện: Ngân hàng

Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên google hoặc trên các trang fanpape, nguời dùng sẽ được cung cấp hàng chục trang thông tin, số điện thoại nhận rút tiền, đáo hạn từ thẻ tín dụng.

Dễ dàng tìm kiếm các địa chỉ nhận rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng

Dễ dàng tìm kiếm các địa chỉ nhận rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng

Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thông qua máy POS hoặc các dịch vụ khác được coi là mua bán khống và chưa được pháp luật cho phép, có nguy cơ gây rất nhiều rủi ro tài chính cho cả người rút tiền và phía ngân hàng, tuy nhiên “có cầu thì ắt có cung” nên dịch vụ rút tiền qua thẻ tín dụng vẫn được khá nhiều chủ thẻ tìm đến. 

Rút dễ dàng, lãi suất thấp

“Rút toàn bộ tiền mặt 100% hạn mức thẻ; phí rút tiền thấp hơn thị trường; miễn lãi tối đa từ 45 đến 55 ngày tùy ngân hàng (Tiết kiệm được lãi suất khoảng 2.5- 3%/ tháng); nhận tiền mặt ngay; thủ tục cực nhanh và an toàn tối đa cho chủ thẻ; thời gian giao dịch linh động (từ 8h00 đến 22h hàng ngày kể cả thứ 7 và chủ nhật)… là một trong những thông tin được đăng tải bởi một trang fanpace “chuyên nhận rút tiền” tại Hà Nội.

Được biết, những trang thông tin quảng cáo dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng tương tự như trên có thể dễ dàng tìm kiếm tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng,…

Tuy nhiên, một điểm chung là các trang web này hầu hết đều nêu địa chỉ "ảo" nhằm tránh việc rà soát từ ngân hàng vì hiện nay các ngân hàng không cho phép các điểm chấp nhận thẻ thực hiện các giao dịch khống như trên. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, với các chủ thẻ việc rút tiền từ thẻ tín dụng sẽ có mức phí thấp hơn so với việc rút tiền qua ATM, thậm chí được miễn lãi suất trong 45 đến 55 ngày. Do đó, nhiều chủ thẻ đã liên hệ với các đầu mối có sử dụng dịch vụ thanh toán qua máy POS như cửa hàng, nhà hàng mua hàng khống, từ đó rút tiền mặt để sử dụng.

Anh Bùi Văn Hiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay do cần gấp một số tiền, theo giới thiệu của một người bạn, anh đã tìm đến một điểm cho rút tiền từ thẻ tín dụng tại quận Đống Đa. 

Nhân viên dùng thẻ tín dụng do anh Hiến cung cấp, cà qua máy POS và đưa cho anh Hiến một hóa đơn tạm tính mua hàng hóa tương ứng với số tiền rút rồi yêu cầu ký vào trước khi nhận tiền một cách nhanh chóng.

“Tôi rút 50 triệu đồng từ thẻ Visa, mức phí chỉ 1,2% trên số tiền rút, trong khi nếu rút tại ATM mức phí là 4% cao hơn mấy lần, lại bị ngân hàng tính lãi ngay" – anh Hiến nói.

Cũng tại điểm nhận rút tiền này, bạn nhân viên niềm nở cho biết, chỗ cô có cả dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng.

“Nếu có nhu cầu đáo hạn thẻ tín dụng, người dùng phải báo trước ít nhất 5 ngày. Với thẻ của các ngân hàng có thể thanh toán online thì nơi này nhận thanh toán tại chỗ, sau đó rút tiền từ thẻ dưới hình thức cà thanh toán hàng hóa, dịch vụ và thu phí rồi trả thẻ ngay” – bạn nhân viên nói. 

Không chỉ nhận rút tiền, nhiều nơi kiêm luôn đáo hạn thẻ tín dụng

Không chỉ nhận rút tiền, nhiều nơi kiêm luôn đáo hạn thẻ tín dụng

Tìm hiểu thêm về dịch vụ này, cho thấy có nhiều người tiêu tiền trong thẻ tín dụng nhưng sau khoảng thời gian 45 – 55 ngày nếu chưa thanh toán, ngân hàng sẽ mặc định tính lãi từ thời điểm khách hàng vay hoặc tiêu tiền. Do đó, khi đến thời điểm cần thanh toán “khách hàng” tiếp tục tìm đến các dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng như trên.

Tiềm ẩn rủi ro cao

Điều này vô hình trung đã làm thiệt hại cho các ngân hàng, đồng thời cũng khiến tăng nguy cơ bị lộ, lọt thông tin của thẻ tín dụng.

Nhiều chủ thẻ sau khi rút tiền mặt tại các dịch vụ nói trên, đã phát hiện thẻ bị trừ tiền vào các dịch vụ mua sắm khác. Họ buộc phải liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ.

Điều đáng nói, kẻ gian tinh vi chỉ tranh thủ “mua sắm” với số tiền không quá lớn, trong khoảng một vài triệu đồng. Bởi, nhiều chủ thẻ do bận bịu hoặc chủ quan nên sẽ không thể phát hiện việc tài khoản bị lộ và mất tiền, nếu có phát hiện vì số tiền không nhiều cũng sẽ dễ dàng được “bỏ qua”. Và dĩ nhiên chủ thẻ vẫn phải thanh toán đầy đủ cho ngân hàng trước khi khóa thẻ, tránh bị phạt quá hạn với lãi suất rất cao.

Nói về tình trạng này, ông Nghiêm Sỹ Thắng, Giám đốc Khối Công nghệ ngân hàng (Ngân hàng Việt Á), cho biết về bản chất thì đây là hình thức giao dịch khống vì máy POS chỉ có chức năng thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ. Cách thức rút tiền cũng khá đơn giản, sau khi thỏa thuận với dịch vụ rút tiền, khách hàng mang thẻ tín dụng đến dịch vụ quẹt thẻ và nhận ngay 100% tiền mặt có trong thẻ. Nội dung được in trên hóa đơn rút tiền là mua sắm tiêu dùng hoặc mua một mặt hàng có giá trị của một công ty “ảo” nào đó.

Cũng theo ông Thắng, việc rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS mang lại thuận lợi cho người sử dụng nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất cao, vì đây chưa phải là hình thức giao dịch được pháp luật thừa nhận.

Còn đại diện Eximbank cho hay có thể nhận ra các dấu hiệu bất thường của những điểm chấp nhận thẻ làm dịch vụ này là giao dịch tăng đột biến, bất thường, món giao dịch lớn. 

Cũng theo các ngân hàng, thẻ tín dụng bản chất là một khoản vay, do vậy chủ thẻ phải sử dụng đúng mục đích là thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Ngân hàng không khuyến khích khách hàng dùng thẻ để rút tiền mặt nên áp dụng mức phí đến 4%, là mức rất cao. 

Thẻ tín dụng vẫn trong túi: Tá hỏa phát hiện mất hàng trăm triệu đồng

Lợi dụng khi quẹt thẻ cho khách hàng, kẻ gian đã lén ghi chép lại thông tin thẻ tín dụng của khách rồi sử dụng thanh toán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN