Room tín dụng được mở thêm: Tiền sẽ chảy về đâu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nới room tín dụng sẽ có hàng trăm tỉ đồng được đổ vào một số ngành hàng quan trọng của nền kinh tế trong dịp cuối năm.

Hàng trăm tỷ đồng đổ vào nền kinh tế

Nới room tín dụng từ 1,5-2%, ước tính 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng cho nền kinh tế. Hiện nay, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 12,2% so với đầu năm, do đó tính luôn với mức vừa nới sẽ có 3,8% room tín dụng cho các nhà băng trong thời gian tới.

Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu theo dõi sát các diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tài chính tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Về nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo hướng phải có các thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng mức cao hơn.

Đây là một trong những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện tại. Thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là các diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng năm 2023.

Room tín dụng được mở thêm: Tiền sẽ chảy về đâu? - 1

Nới room tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các ngành công nghiệp phụ trợ (Ảnh: Minh họa)

Tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế năm 2021 là khoảng 10,44 triệu tỷ đồng. Nếu ngân hàng Nhà nước tăng từ 1,5 - 2% của số này, thì tương đương sẽ có khoảng trên 200 nghìn tỷ được bơm thêm vào thị trường.

Ngay sau khi có chủ trương nới room tín dụng, đã có một số ngân hàng được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng như Vietcombank được cấp 5.000 tỷ đồng, Shinhan Bank Việt Nam thêm 2%...

Room tín dụng không hướng vào lĩnh vực bất động sản

Room tín dụng tăng thêm 1,5 - 2% sẽ giúp cung tiền cải thiện hơn, tạo ra một không gian thanh khoản rộng hơn cho các ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, việc đưa ra chính sách này ở thời điểm hiện tại là phù hợp với bối cảnh thế giới khi lạm phát có tín hiệu giảm, quá trình tăng lãi suất của Fed hay các nước trên thế giới cũng có dấu hiệu chậm lại. Vì vậy, sức ép lên tỷ giá cũng giảm đi nhiều. Đây là những biểu hiện cho thấy đủ điều kiện để Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách nới room tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Bình luận về vấn đề này, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, nới room thêm 1,5 - 2% tương đương khoảng 150.000 - 200.000 tỷ đồng. Đây là con số không quá lớn đối với nền kinh tế. Với lượng tiền này, có thể giải quyết được câu chuyện thanh khoản cho nền kinh tế cuối năm.

Ông Ngọc cho biết, với con số này sẽ chưa tạo ra sự đột biến hay bùng nổ lớn đối với nền kinh tế, nhưng sẽ có biến động trên thị trường tài sản. Cụ thể, thanh khoản này hướng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chứ không hướng vào những lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán hay bất động sản.

Theo ông Ngọc, mặc dù việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% sẽ chưa tạo ra tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế, nhưng sẽ  có tác động gián tiếp. Động thái này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến tình hình thị trường hiện tại, đang nỗ lực tìm cách để tháo gỡ những khó khăn. Và như thế, nhà đầu tư sẽ lấy lại được ít nhiều niềm tin và trở nên lạc quan hơn vào thị trường.

“Bên cạnh tăng room tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang duy trì thanh khoản hệ thống trong mọi tình huống, thậm chí có thể kéo dài những khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng đến sau Tết. Đây chính là động lực khiến nhiều nhà đầu tư rời bỏ tâm lý bi quan", ông Đỗ Bảo Ngọc nói.

Liên quan vấn đề quản lý dòng tiền này, lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ theo dõi những hoạt động cho vay của các hệ thống ngân hàng sau khi được nới room.

Nguồn: [Link nguồn]

Vỡ mộng mua xe ô tô đi chơi Tết vì lý do này!

Nhiều người có kế hoạch mua xe cuối năm để phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán nhưng đành phải chấp nhận tạm hoãn kế hoạch mua xe ô tô sang một thời điểm khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN