Năm 2021, lượng tiền kiều hối về Việt Nam tăng mạnh, đứng thứ 8 thế giới

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 tăng mạnh, ước đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ở mức 18,1 tỉ USD. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam là 17,2 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới.

Tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 7,3%, lên mức 589 tỉ USD trong năm 2021. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7% dù đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Kiều hối được dự báo sẽ tăng 2,6% trong năm 2022.

Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2021 lượng kiều hối của Việt Nam ở mức 18,1 tỉ USD, đứng thứ 8 thế giới 

Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2021 lượng kiều hối của Việt Nam ở mức 18,1 tỉ USD, đứng thứ 8 thế giới 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng kiều hối về TP trong 11 tháng qua ước tính 6,2 tỉ USD, vượt qua con số 6,1 tỉ USD của cả năm 2020. Lượng kiều hối vẫn đang tiếp tục chuyển về nên dự kiến cả năm 2021, TP sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỉ USD. Nguồn kiều hối chủ yếu đổ về từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Úc, Canada và châu Âu…

Nguyên nhân khiến lượng kiều hối gia tăng mạnh trong năm nay, theo ông Minh, là do TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nên những người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Về cơ cấu kiều hối chảy về lĩnh vực nào, chưa có thống kê đầy đủ như những năm trước, nhưng tỷ lệ hỗ trợ an sinh xã hội tăng lên so với trước đây, phần còn lại vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Lý giải cho việc kinh tế các nước gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhưng kiều hối về VN lại tăng, ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, cho rằng trong các gói hỗ trợ kinh tế của các nước Bắc Mỹ, châu Âu, có phần gói hỗ trợ an sinh xã hội, có nước trả 400 - 600 USD/người/tuần vào tài khoản đối với những người thất nghiệp. Nhiều người không làm gì mà mỗi tháng nhận lên đến 2.000 USD. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh vừa qua tại TP.HCM diễn ra khá phức tạp, khiến nhiều kiều bào tích góp gửi về cho người thân nhiều hơn.

Cùng quan điểm, GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty giáo dục, đào tạo và tư vấn quốc tế Stellar Management, phân tích lượng kiều hối chuyển về VN tăng gần đây cũng có những lý do liên quan dịch Covid-19. Với tình hình dịch bùng phát ở các nước châu Âu, Mỹ như hiện nay, kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài lo ngại những bất trắc xảy ra nên có tiền là họ chuyển về nước. Thêm vào đó, mỗi năm số lượng kiều bào về quê thăm người thân, đi du lịch rất cao, nay do dịch nên không về được và họ ít nhiều gửi phần nào số tiền tích cóp về nước.

Thông thường thời điểm cuối năm, dòng tiền trên thị trường chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên để chuẩn bị cho dịp lễ hội, đặc biệt là tết. Thế nhưng, với những diễn biến dịch Covid-19 trong nước như hiện nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn đang phòng thủ nhiều hơn. Họ chưa thật sự an tâm chi tiêu nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính chất thăm dò. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn kiều hối chưa chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sang năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc sẽ thu hút nhiều hơn dòng kiều hối vào kênh này.

Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo đó, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỉ USD.

Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.

Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế. Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỉ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

Đại diện NHNN cho biết, năm 2022, trên cơ sở mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ qua dịch bệnh, chuỗi cà phê nổi tiếng Nhật Bản chuẩn bị có mặt tại Việt Nam

Chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ cố đô Kyoto của Nhật Bản, mới đây đã đăng thông báo bắt đầu kế hoạch mở cửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN