Méo mặt vì đầu tư đất nền lướt sóng

Trót ôm hai miếng đất với hy vọng thị trường ấm lên sẽ sang tay, tuy nhiên đến nay sau gần một năm chị Hoàn muốn bán nhưng không thể bán vì người mua không mặn mà.

Ôm mộng làm giàu nhanh

Còn nhớ, thời điểm tháng 3/2020, cơn sốt đất nền lan rộng tại Thạch Thất, Hòa Lạc,… Tại các một số địa phương nằm ven Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và dọc đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, giá đất nhảy múa từng ngày, có nơi tăng đỉnh điểm 100%... đã khiến cho không ít người rót tiền “đầu tư lướt sóng” với mong muốn kiếm lời nhanh.

Thời điểm "sốt" nhiều ô đất tại Thạch Thất từng có khách trả 18 triệu/m2, nhưng giờ 12 triệu muốn bán cũng khó

Thời điểm "sốt" nhiều ô đất tại Thạch Thất từng có khách trả 18 triệu/m2, nhưng giờ 12 triệu muốn bán cũng khó

Chị Phan Thanh Hoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị có 2 ô đất tại xã Đồng Trúc. Thời điểm sốt đất đỉnh điểm, chị nhận cọc của khách một lô với giá 18 triệu đồng/m2 nhưng đợi mãi khách không đến chồng nốt tiền nên giờ cần bán phải giảm xuống còn 12 triệu đồng/m2.

Cũng theo chị Hoàn, nhiều ô đất bên cạnh trong thời điểm tháng 3 cũng được rao bán từ 16 triệu – 19 triệu/m2 (tùy vị trí). Tuy nhiên, đã có ô nào giao dịch thành công hay không thì chị chưa nắm được.

“Tôi có 2 lô đất ở đây. Hiện một lô phía trong đang bán với giá 9 triệu/m2 và một lô góc 2 mặt tiền đang bán với giá 12 triệu đồng/m2, nhưng rao bán hai tháng nay vẫn chưa có khách nào tỏ ra mặn mà. Giờ dịch bệnh lại tái bùng phát, có lẽ tôi chấp nhận để thêm thời gian nữa".

Khác với chị Hoàn, chị Nguyễn Hải Vân lại đầu tư đất nền theo hình thức góp vốn.

Do tin tưởng lời hứa hẹn của nhân viên môi giới, chị Vân (Long Biên, Hà Nội) đã rút tiền gửi tiết kiệm cùng một người bạn thân mua chung 01 lô đất biệt thự với diện tích 399m2 tại một dự án phân lô xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội.

Tuy nhiên, vì dự án chưa xong hạ tầng nên chị Vân và bạn đóng tiền theo hình thức đặt cọc góp vốn (500 triệu đồng).

Dự án "trên giấy" chị Vân và bạn đã góp vốn

Dự án "trên giấy" chị Vân và bạn đã góp vốn

Lúc tư vấn nhân viên khẳng định là có thể mua để lướt sóng được sau khoảng 2 -3 tuần và cam kết bán lại nếu khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, bốn tháng trôi qua, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, nền đất của chị không thể ra hàng được. Chị sốt ruột rao bán nhưng không có khách dù chấp nhận bán lại ngang giá.

“Tôi không có nhiều tiền để đầu tư đất biệt thự, chỉ là mua và lướt sóng trong thời gian ngắn. Giờ đây, dịch bệnh liên miên mà hạ tầng thì chưa biết khi nào hoàn thiện nên rất ít người quan tâm. Trường hợp khi hạ tầng hoàn thiện, có nghĩa chúng tôi sẽ phải đóng tiền theo các đợt tiếp theo theo quy định từ phía công ty.

Quá sốt ruột, chị Vân đã nhiều lần liên hệ nhờ phía môi giới bán nhưng không được, họ đưa ra đủ mọi lý do để thoái thác. Chị đến gặp bộ phận kinh doanh của công ty, tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định họ không có chính sách bán hàng đầu tư lướt sóng cho bất kỳ dự án nào. Nếu có người mua, công ty sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Hiện tại, chị Vân đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Nhà đầu tư “non tay” sẽ mắc kẹt

Chị Nguyễn Lê Hà (Thanh Xuân, Hà Nội), một nhà đầu tư từng có mặt tại khu đất giãn dân tại xã Đồng Trúc thời điểm sốt nóng cho biết: “Nghe tin tôi cũng theo bạn bè xuống xem đất, thấy hoạt động mua bán có vẻ tấp nập nhưng chủ yếu là các nhà đầu cơ về đây đẩy sóng thị trường. Hạ tầng không có, đất đã để hoang hóa từ lâu mà giá bị đẩy lên quá cao".

“Có một số nhà đầu tư “non tay”, không kịp bán tháo thời điểm tắt cơn sốt nên vẫn đang bị mắc kẹt, dù buộc phải bán cắt lỗ sâu để thu hồi phần vốn, rút khỏi thị trường nhưng thời điểm này không thể bán ra, trừ những miếng có vị trí đẹp và bán ngang với giá thực hiện tại may ra mới có người mua”, chị Hà nói.

Nhà đầu tư non tay dễ mắc kẹt tại các dự án phân lô bán nền

Nhà đầu tư non tay dễ mắc kẹt tại các dự án phân lô bán nền

Việc sốt đất ảo thường diễn ra đối với đất nền. Đáng chú ý, rất ít dự án đã đầy đủ tính pháp lý, mà chủ yếu là các dự án tự phân lô bán nền.

Với một số dự án, nhân viên môi giới tìm đủ cách mời chào nhà đầu tư, chưa kể giới đầu cơ thường có vốn lớn, nắm trong tay một lượng lớn nền đất và muốn tạo cơn sốt giá để ra hàng. Khi sản phẩm đã được bán ra, giới đầu cơ thu lợi còn khách hàng và dân lướt sóng phải chấp nhận ôm đất “chịu lỗ” mà không thể làm gì.

Mới đây, tại tọa đàm trực tuyến “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” được tổ chức sáng 4/8, các chuyên gia đã có những chia sẻ về hoạt động đầu tư trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch Covid-19.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay rất phức tạp, nhìn về phía trước rủi ro rất lớn, trong đó đại dịch Covid-19 đã và có tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng lưu ý rằng, trong cương vị nhà đầu tư, rót tiền vào đâu tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro.

“Nhà đầu tư nên đa dạng hóa và rủi ro một chút, nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy tài chính khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ phá sản, lỗ vốn.

Hiện có khá nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, với bất động sản luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn”, ông Lực nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Sốt đất Thạch Thất giữa mùa dịch, kết cục chỉ béo “cò”

Chỉ trong khoảng một tuần, giá đất nền tại một số địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thất đã nhảy vọt từ 8...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN