"Tàu ma" VSP sắp chìm?

Doanh thu đến từ việc bán lỗ tài sản, chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần cùng kỳ.... VSP đang dần tiến tới ngõ cụt... âm vốn chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012 của CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (mã VSP) cho thấy, các dự án dang dở của Công ty hầu như dậm chân tại chỗ từ đầu năm nay. Trong khi đó, chi phí lãi vay lên tới 107,7 tỷ đồng trong quý này, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2011, doanh thu đến từ việc… bán lỗ tài sản. VSP đang dần tiến tới ngõ cụt… âm vốn chủ sở hữu.

Doanh thu đến từ bán tài sản

Theo báo cáo tài chính quý I/2012, VSP có 203,4 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, thuyết minh lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính quý cho thấy, doanh thu này chủ yếu đến từ việc bán tài sản, là tàu, với tổng giá trị thu về gần 163,7 tỷ đồng. Chỉ 30,67 tỷ đồng doanh thu đến từ dịch vụ vận tải và 9 tỷ đồng đến từ bán hàng hóa. Với mức giá vốn hàng bán được ghi nhận lên tới 582,697 tỷ đồng, và khoản chi phí lãi vay trong kỳ 107,7 tỷ đồng cho hơn 1.800 tỷ đồng vay và nợ dài hạn, quý I/2012, VSP lỗ 492,176 tỷ đồng. Đây là khoản thua lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VSP, lớn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ 380,844 tỷ đồng.

"Tàu ma" VSP sắp chìm? - 1

Phân tích cơ cấu chi phí của 3 hoạt động mang lại doanh thu cho VSP (chưa bao gồm chi phí lãi vay, chi phí quản lý) cũng cho thấy một bức tranh rất u ám của Công ty. Hoạt động bán hàng có doanh thu 9 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán hơn 9,557 tỷ đồng, hoạt động cung cấp dịch vụ mang lại doanh thu 30,67 tỷ đồng, nhưng có giá vốn lên tới 97,845 tỷ đồng. Riêng việc bán tàu ghi nhận con số lỗ lớn nhất. Giá trị sổ sách của tàu bán lên tới 475,3 tỷ đồng của VSP, nhưng khi bán đi chỉ thu được 163,7 tỷ đồng, tức chỉ còn xấp xỉ 1/3 giá. Trong khi đó, chi phí lãi vay gấp hơn 2,5 lần doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (không bao gồm doanh thu bán tàu).

Nếu không cải thiện tình hình kinh doanh, càng hoạt động, VSP càng lỗ. Càng bán tàu, VSP càng phải ghi nhận khoản thâm hụt vốn chủ sở hữu dù về bản chất, việc bán tàu và ghi nhận thâm hụt vốn chủ sở hữu có thể chỉ là bút toán để NĐT nhận biết rõ ràng hơn về thực trạng của VSP.

Hoạt động đầu tư đình trệ

Trong quý I/2012, hoạt động đầu tư các dự án của VSP hầu như đứng yên tại chỗ, ngoại trừ dự án Tổng kho Đình Vũ tiếp tục được giải ngân. Tổng giá trị giải ngân của VSP cho dự án này tính đến cuối quý I/2012 là 126,63 tỷ đồng, tăng gần 30,9 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Dường như, VSP đang dồn toàn tâm toàn lực để triển khai dự án này.

Với tình trạng này, nếu không có một đối tác lớn giúp cải thiện tình hình tài chính, thì các dự án của VSP có lẽ sẽ chỉ được hoàn thiện sau khi chúng được… đổi chủ, bởi tình trạng hiện nay, VSP khó có khả năng kiếm tìm được nguồn vốn mới cho hoạt động kinh doanh, ngoại trừ bán tài sản.

Vốn chủ sở hữu còn bao nhiêu?

Bán tài sản là lối đi mà VSP đã làm và dự kiến sẽ phải tiếp tục. Nhưng, nếu bán tài sản đi, liệu VSP có thay đổi được tình trạng khó khăn tài chính của mình?

Cuối quý I/2012, tài sản cố định hữu hình của Công ty còn hơn 1.138 tỷ đồng. Trong số này, phần lớn là tàu. Tại thời điểm cuối năm 2009, VSP chỉ có khoảng hơn 11 tỷ đồng là máy móc thiết bị, văn phòng; phương tiện vận tải chiếm hơn 99% tổng tài sản cố định hữu hình. Vốn chủ sở hữu của Công ty còn 478,771 tỷ đồng. Chỉ cần VSP bán thêm một nửa số tàu hiện còn với giá bằng 1/3 nguyên giá như đã làm trong quý I thì vốn chủ sở hữu của VSP có thể sẽ bị âm. Trong khi đó, chi phí lãi vay mỗi quý của VSP khoảng hơn 107 tỷ đồng.

Không bán tàu, không hoạt động kinh doanh và không trích khấu hao, thì tình trạng kinh doanh hiện tại cũng có thể khiến VSP âm vốn chủ trong vòng 4 quý tới. Nếu bán tàu giá trị lớn như quý I/2012 với giá bán không được cải thiện, thì chỉ 1 quý nữa, VSP có thể sẽ có một báo cáo tài chính với vốn chủ về mức xấp xỉ 0 đồng. Vì vậy, không khó hiểu tại sao dù giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu VSP hơn 10.000 đồng, nhưng giá thị trường của VSP chỉ 1.900 đồng/cổ phiếu, tức bị chiết khấu tới… hơn 80%. Nhưng nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện, rất có thể, mức giá 1.900 đồng/cổ phiếu vẫn còn đắt.

Ai là chủ nợ của VSP?

Ngay cả khi bán tàu, tiền thu về của VSP cũng chỉ có thể trả lãi, chứ không đủ để thanh toán tiền gốc. Với số tiền nợ hơn 1.800 tỷ đồng, cơ hội để VSP trả nợ từ hoạt động kinh doanh chính gần như bằng 0. Trong khi đó, VSP còn tới 363,445 tỷ đồng là tiền lãi vay chưa trả. Con số này tương đương với chi phí lãi vay của khoảng 4 quý gần đây. Các chủ nợ sẽ phải làm gì, nếu muốn thu hồi tiền đã cho VSP vay?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Sưởng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN