Đề xuất quản lý Uber, Grab như taxi: Quản lý đi ngược thời đại 4.0?

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải muốn đưa loại hình vận tải ứng dụng công nghệ như Grab, Uber về quản lý như taxi truyền thống trong phiên họp dự thảo sửa đổi Nghị định 86 khiến nhiều người ngạc nhiên bởi câu chuyện quản lý dường như đang loanh quanh để quay về với khung pháp lý cũ kỹ, chỉ để “ghìm cương” những lợi thế công nghệ và người tiêu dùng cùng các tài xế công nghệ sẽ gánh nhiều thiệt thòi...

Từ khi có mặt tại Việt Nam trong vai trò nhà cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối dịch vụ vận tải, những đơn vị như Grab, Uber liên tục bị các hiệp hội, các hãng taxi truyền thống đổ lỗi, cáo buộc rằng chính sự đã khiến các hãng taxi truyền thống rơi vào thua lỗ, khách hàng sụt giảm. Thực tế, sự sụt giảm nhu cầu trong xã hội đối với mô hình taxi truyền thống là có thật. Tuy nhiên, không mấy hãng dám nhìn nhận thẳng vào vấn đề, là kinh doanh theo kiểu taxi truyền thống đã dần lạc hậu, người tiêu dùng không còn đặt niềm tin và tìm đến như trước kia. Nhu cầu về những dịch vụ mới, nhanh, gọn, giá rẻ và chất lượng dịch vụ tốt mới chính là điều khiến người dùng quay mặt với những dịch vụ di chuyển giá cao, dịch vụ kém cạnh tranh.

Nhìn từ góc độ quản lý, cái khó của cơ quan quản lý là làm sao tạo ra được một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, quản lý được các loại hình từ cũ đến mới, chứ không phải áp đặt tất cả cùng chịu một cơ chế giống nhau chỉ để... dễ quản. Thế nhưng, sau hai năm được chính Bộ GTVT cấp phép thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24 với nhiều đánh giá khách quan là dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, tận dụng được nguồn phương tiện nhàn rỗi của người dân, gia tăng công ăn việc làm, các nhà cung cấp ứng dụng công nghệ nhằm kết nối vận tải lại phải đối mặt với việc các cơ quan quản lý sẽ sửa đổi quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải, để quản lý hoạt động của Uber, Grab “như một doanh nghiệp taxi hoạt động ở Việt Nam”.

Đề xuất quản lý Uber, Grab như taxi: Quản lý đi ngược thời đại 4.0? - 1

Theo các chuyên gia, cần gỡ bớt rào cản để taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab thay vì siết quy định như đề xuất của Bộ GTVT.

Quản lý Grab, Uber như taxi - bước lùi của thời 4.0?

Còn nhớ, tại một cuộc lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Nghị định 86, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho rằng, việc tranh cãi về quản lý kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết, nhưng không phải là đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt họ.

“Ở Việt Nam, thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển cái đó lên nhưng chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta không có khái niệm phải lấy cái mới để xây dựng chính sách để xóa bỏ cái cũ, phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu”, ông Phan Đức Hiếu bình luận.

Về việc người đứng đầu Bộ GTVT muốn quản Uber, Grab như taxi truyền thống, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề với cơ quan quản lý là phải tháo gỡ, giảm bớt các rào cản cho taxi truyền thống thay vì đưa ra các rào cản mới đối với những hình thức kinh doanh mới áp dụng công nghệ. Bản thân các hãng taxi truyền thống hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng tại sao họ lại không làm và có làm lại không thành công?

Định danh để quản lý, nhưng đừng quên quyền lợi của người dân!

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, cái khó hiện nay của Bộ GTVT là phải định danh được Grab và Uber là loại hình kinh doanh gì, và khi định danh được rồi thì nên xây dựng hành lang pháp lý cụ thể, để có biện pháp quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, đừng vì lo cho được việc quản lý mà bỏ qua quyền lợi của tài xế, người tiêu dùng. Cũng theo chuyên gia này, nếu quản lý như taxi truyền thống là rất bất hợp lý cho loại hình Grab và Uber, không phát triển được một lĩnh vực vận tải áp dụng công nghệ mới, lại cùng đưa vào một cái để quản lý thì tiếp tục bất bình đẳng và đi thụt lùi thời đại.

“Cuộc chạy đua giữa Uber, Grab với taxi truyền thống có thể nhìn qua hình ảnh, taxi truyền thống đang bị cơ quan quản lý “đeo tạ” vào chân. Với đề xuất cách thức quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống không khác gì cơ quan quản lý đeo thêm quả tạ nữa vào cho cả Uber, Grab, thay vì phải bỏ bớt quả tạ đi để cho hai bên cạnh tranh bình đẳng với nhau, để taxi truyền thống theo kịp Uber, Grab. Đề xuất này là cách quản lý ngược”, ông Ánh nói.

Liên quan đến yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT đưa Uber và Grab về quản lý như taxi truyền thống, anh Nguyễn Văn Huấn, 43 tuổi, một tài xế chạy xe công nghệ cho biết thêm, trước khi đăng ký làm đối tác của Grab, anh đã có gần 10 năm làm tài xế cho một hãng taxi lớn trên địa bàn TPHCM. “Thú thực, chạy taxi rất mệt mỏi vì phải điều động theo lệnh. Ngoài ra, hàng ngày, hàng tháng đều phải chạy theo doanh số, chỉ tiêu. Nếu mình chạy theo “lốt” (khách điều từ tổng đài) nhưng không đủ chỉ tiêu (số tiền quy định) thì phải chạy thêm ở ngoài bằng cách lòng vòng ở đường đón khách. Ngoài ra, do là nhân viên taxi nên thường xuyên phải đi tập huấn, đi học các lớp học không liên quan nhiều đến nghề nghiệp, rất mất thời gian. Bây giờ mà bắt các tài xế công nghệ hoạt động giống lái xe taxi truyền thống chắc chết, chả ai dám chạy nữa”, anh Huấn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thục Quyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN