Grab bị quản như taxi truyền thống: Tài xế, khách hàng sẽ "thiệt đủ đường"?

Sự kiện: Kinh Doanh

Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng nếu Grab bị định danh như một công ty taxi sẽ là một bước lùi của Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 đồng thời cả tài xế và khách hàng sẽ lâm vào cảnh "thiệt đủ đường".

Grab bị quản như taxi truyền thống: Tài xế, khách hàng sẽ "thiệt đủ đường"? - 1

Tài xế, khách hàng "thiệt đủ đường" nếu Grab bị quản lý như taxi truyền thống?

Như tin đã đưa, sáng hôm qua (8/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Vụ, Cục liên quan về sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, loại hình kinh doanh vận tải hành khách ứng dụng phần mềm kết nối như xe Uber, Grab có bản chất hoạt động như kinh doanh vận tải taxi kết hợp ứng dụng công nghệ. Do vậy, cần đưa ra các quy định để các đơn vị này kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải hoạt động đúng theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Sau buổi họp của cơ quan quản lý, ngay lập tức sáng nay (9/3), Grab Việt Nam đã có những phản hồi về phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ngày hôm qua.

Theo đó, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho hay: "Chúng tôi hết sức quan ngại về phát biểu mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra vào ngày 8/3/2018". Ông này cho rằng, việc xác định loại hình kinh doanh cho các dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là một quyết định quan trọng và cần thiết. Dù vậy, "định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0".

Quản Grab, Uber như taxi truyền thống?

Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, nếu Grab bị định danh là công ty taxi thì "tác động lên các đối tác tài xế sẽ thật sự khó lường và không thể tránh khỏi". Cùng với đó, các khách hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo và sẽ bị thiệt thòi rất lớn.

Ông Jerry Lim cho hay: "Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ hoàn toàn biến mất nếu chúng tôi bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh của các công ty taxi. Hệ quả kéo theo sẽ cực kỳ to lớn. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi không chỉ là nền tảng kỹ thuật số cho dịch vụ đặt xe công nghệ. Chúng tôi đang xây dựng cả một hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, giao nhận thức ăn, logistics cho đến ví điện tử giúp khách hàng có thể thanh toán cho các nhu cầu hàng ngày, ngoài nhu cầu di chuyển".

"Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Cả khu vực Đông Nam Á đang dõi theo, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang dõi theo động thái của Chính phủ Việt Nam trong sự kiện này. Vì vậy, quyết định của Bộ GTVT trong sự kiện này là rất quan trọng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Vũ (ICT News)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN