Chưa quyết tăng thuế suất vàng
Hôm qua, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định tạm lùi thời điểm thông qua Tờ trình Chính phủ đề nghị nâng thuế suất thuế tài nguyên vàng lên 17%, do có ý kiến của 3 đại sứ đề nghị xem lại mức tăng này.
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết vàng có khung thuế suất thuế tài nguyên từ 9-25%, thuế suất hiện hành là 15%. Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 22%.
Tại Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế suất đối với đồng từ 10% lên 13%, sắt từ 10% lên 12%; Titan: tăng từ 11% lên 16%; Vonfram, Antimoan: tăng từ 10% lên 18%; Đất làm gạch: tăng từ 7% lên 10%; Đá, sỏi: tăng từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng); Apatit: tăng từ 3% lên 5%; Than: tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%. |
Theo Chính phủ, việc khai thác vàng tập trung chủ yếu tại Quảng Nam, công nghệ tiên tiến, quy trình khép kín, ít gây tác động đến môi trường. Hơn nữa, trong giai đoạn vừa qua, thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng đã được điều chỉnh nhiều lần (từ 6% năm 2008, lên 9% vào năm 2009 và nâng lên mức 15% vào năm 2010).
Trước đề nghị tăng thuế suất của Chính phủ, mới đây các DN khai thác vàng (Cty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, Tập đoàn Besra), UBND tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là 3 Đại sứ quán (Úc, Canada, New Zealand) đã có Công hàm gửi UBTVQH, Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất đối với vàng vì sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khai thác vàng, ảnh hưởng môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tại Tờ trình mới nhất, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho điều chỉnh mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 17%. Theo tính toán, với mức thuế suất dự kiến tăng lên (17%), tổng số thuế tài nguyên phải nộp chiếm 14,8% giá bán.
Trong thư kiến nghị được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân công bố tại phiên họp, các Đại sứ nhấn mạnh việc tăng thuế suất vàng sẽ tác động không tốt đến các nhà đầu tư, đồng thời làm sụt giảm nguồn thu cho chính địa phương và Việt Nam; giống như một tín hiệu tiêu cực về môi trường đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cân nhắc lợi, hại
Trước diễn biến trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu việc nâng thuế suất đối với vàng phải thận trọng, bởi ngoài lợi ích kinh tế, đây còn là vấn đề đối ngoại. “Phải xem các ý kiến không đồng tình tăng thuế đúng, chưa đúng ở điểm nào. Lấy lợi ích quốc gia làm trọng, nhưng phải xem xét cân nhắc mặt lợi, hại ra sao để có quyết định phù hợp”- ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đây là vấn đề phải cân nhắc, vì ngay bản thân chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị giữ nguyên mức thuế cũ. “Ban đầu khi các nhà đầu tư vào thuế chỉ có 3%, mình trải chiếu hoa, có doanh nghiệp đã gắn bó 24 năm rồi mà lại thay đổi cũng không nên. Thu thêm mấy tỷ thì không lớn, nhưng mất sẽ nhiều, phải cân nhắc cái mất về môi trường đầu tư, trước mắt nên dừng ở mức 15% như hiện nay” – ông Sơn phát biểu.
Tuy nhiên, UBTCNS nghiêng về mức thuế suất 17%. Cuối cùng, do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH thống nhất để cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung này, cân nhắc các mặt lợi và hại của việc tăng thuế.