Đánh thuế vàng hay 'đánh' túi tiền của dân?

Để biến vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế, phải tạo niềm tin vào giá trị của tiền đồng, chứ không phải bằng biện pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng.

Đánh thuế vào túi tiền của dân

Dù Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng chỉ là đề xuất, song đề xuất này đã gây ra nhiều lo lắng.

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lâu nay, tích trữ vàng được coi là một hình thức tiết kiệm của người dân. Nếu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vàng miếng sẽ đội lên rất cao, tức khoản tiết kiệm của người dân bị đánh tụt xuống.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thói quen tích trữ vàng của người dân không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng chẳng khác gì đánh thuế vào túi tiền tiết kiệm của người dân.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, vàng không thuộc danh mục những hàng hóa mua bán, nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Chưa kể, nếu bị áp thuế cao, thị trường vàng – vốn đang cực kỳ phức tạp và có mức chênh lệch giá quá cao so với giá thế giới - có nguy cơ càng rối thêm.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra những biện pháp thị trường để quản lý thị trường vàng, thay vì làm phức tạp thêm thị trường bằng các biện pháp chủ quan, áp đặt. Ông Nguyễn Thành Long đề xuất, trước khi ban hành chính sách mới về quản lý vàng, Ngân hàng Nhà nước nên rút kinh nghiệm từ những chính sách đã ban hành.

Trên thực tế, hầu hết chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua mới giải quyết được vấn đề tình thế, tháo gỡ được một số khúc mắc của thị trường, chứ chưa có tầm nhìn dài hạn và hệ thống giải pháp đồng bộ. Do đó, việc ban hành những chính sách mới phải hết sức thận trọng.

Các chuyên gia cũng không tán thành đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng của Ngân hàng Nhà nước. “Bình ổn thị trường vàng là phải hạn chế được giới đầu cơ, chứ không phải đánh vào túi tiền tích cóp ít ỏi của người dân. Áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến thị trường vàng thêm rối, càng khuyến khích đầu cơ. Cái mà thị trường vàng cần hiện nay là minh bạch về thông tin và chính sách, chứ không phải làm thị trường thêm rối bởi thuế”, TS Nguyễn Trọng Tài, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng (Học viện Ngân hàng) phân tích.

Gốc rễ của việc dân giữ vàng là tiền đồng mất giá

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, trước khi tính đến việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cần xác định vàng miếng là hàng hóa hay phương tiện tích trữ. Nếu vàng miếng là phương tiện tích trữ, có nghĩa vàng là hàng hóa tiền tệ, thì không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn nếu coi vàng miếng là hàng hoá, thì Ngân hàng Nhà nước phải chỉ rõ cơ sở, mục đích của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều nước tiêu thụ vàng lớn trên thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ, cũng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng, nên Việt Nam cần xem xét kỹ trước khi áp dụng quy định này. Trên thực tế, việc cấm coi vàng là phương tiện thanh toán là đúng, nhưng đây cũng không phải là một loại hàng hóa thông thường, mà đúng ra là một phương tiện tích trữ. Nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận vàng là một phương tiện dự trữ.

Trong khi đó, theo TS. Vũ Đình Ánh, gốc rễ của tình trạng người dân đổ xô “ôm” vàng là do lạm phát cao, tiền đồng mất giá. Vì vậy, kể cả khi vàng bị áp thuế cao, người dân vẫn sẽ đổ xô mua vàng, thiệt thòi cuối cùng người dân phải gánh chịu, trong khi Nhà nước vẫn không huy động được lượng vàng lớn trong dân để phát triển kinh tế. Do đó, muốn để người dân giảm tích trữ vàng, Chính phủ phải giải quyết rốt ráo những bất ổn nội tại của nền kinh tế, kiên trì mục tiêu cắt giảm lạm phát, từ đó nâng cao giá trị tiền đồng. “Một khi người dân có niềm tin vào tiền đồng, khi đó nhu cầu nắm giữ ngoại tệ và vàng sẽ giảm”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Tâm (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN