Đấu thầu vàng: Ai được lợi?

Qua 62 phiên đấu thầu vàng, bán được gần 62 tấn (tính đến ngày 27-9), giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch lớn so với giá thế giới, thị trường xáo trộn và người cầm giữ vàng vẫn đối mặt nhiều rủi ro... Như vậy, mục tiêu của đấu thầu vàng rất xa vời, mờ mịt.

Ai đã mua gần 62 tấn vàng đấu thầu? Với việc làm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện đúng chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước chưa? Việc cung ứng một lượng lớn vàng miếng (vàng vật chất) vào nền kinh tế đã phù hợp với xu thế chung của thị trường vàng hiện đại và có phù hợp với việc chống vàng hóa hay không? Nguồn vàng này đã đi về đâu? Người dân được hưởng lợi gì từ các phiên đấu thầu vàng này? Đấu thầu vàng, sân chơi đã bình đẳng chưa? Hàng loạt câu hỏi này cần phải có lời giải đáp thỏa đáng.

Vừa quản lý vừa kinh doanh

Trên thế giới chưa có NH trung ương nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Hay nói một cách khác là chưa có NH trung ương nào kinh doanh vàng. Trong khi tại Việt Nam, NHNN lại kiêm tất cả các vai trò này, trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trên thực tế, không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường. Trong hàng chục phiên đấu thầu đó, được lợi lớn nhất là các NH chứ không phải là người dân. Do vậy, mục tiêu bình ổn giá là không thực hiện được.

Đấu thầu vàng: Ai được lợi? - 1

Người giữ vàng miếng luôn trong tình trạng lo lắng vì những chính sách quản lý vàng thay đổi liên tục và kém hiệu quả Ảnh: HỒNG THÚY

Nguyên tắc cao nhất của NHNN khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ. Sự ôm đồm đó khiến dư luận đặt vấn đề: Việc kinh doanh của NHNN có phù hợp với chức năng vốn có của một cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, nhất là sau phiên đấu giá thất bại hôm 28-3. Với vai trò độc quyền, giá của NHNN đưa ra coi như được các chủ thể trên thị trường thừa nhận đó là giá thị trường. Giá này luôn rất cao so với giá thế giới... Trước khi đấu thầu, cuối tháng 3-2013, theo một lãnh đạo của NHNN, NHNN dự kiến “bơm” ra khoảng 20 tấn là đủ cho các NH đóng trạng thái vàng cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng trên thực tế, số vàng “bơm” ra cho đến nay đã gấp hơn 3 lần dự kiến, có lẽ không phải vì NHNN không nắm được số dư cho vay vàng cộng với số vàng các NH cần mua để tất toán trạng thái. Phải chăng NHNN không dự đoán được sức đầu cơ trong nước cũng như nhu cầu của người dân về vàng và sự giảm giá mạnh của vàng thế giới?

Mơ hồ về bình ổn thị trường

Bình ổn thị trường về bản chất là bình ổn giá. Nước ta không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để bảo đảm cân đối cung cầu, đồng thời trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới.

Trả lời trên website của NHNN, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp, bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Cũng như vậy, sau một phiên đấu thầu vàng, đại diện NHNN trả lời với báo chí: “Mục tiêu của chúng tôi là bình ổn thị trường chứ không chạy theo bình ổn giá, không dùng cách thức bù giá để ép giá xuống. Giá vàng là do thị trường tự điều chỉnh”. Như vậy, theo quan điểm của NHNN, “đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường, không bình ổn giá” là chưa chuẩn, còn mơ hồ. Như vậy, một khi đã không nhất thiết phải bình ổn mà vẫn bình ổn theo những quan điểm mơ hồ nào đó ắt sẽ dẫn đến những kết quả mơ hồ.

Quan điểm mơ hồ không phản ảnh đúng bản chất của mục tiêu bình ổn thị trường vàng và chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy mà hậu quả nhãn tiền là giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường.

Ổn định thị trường vàng trong nước có nghĩa là giá vàng trong nước phải luôn bám sát với giá vàng thế giới (sát giá không có nghĩa là bằng giá). Vậy khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bao nhiêu là hợp lý. Ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cho rằng khoảng 100 USD/lượng (2 triệu đồng/lượng); Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Nhật Quang thì cho rằng khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng; ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, cho rằng khoảng 500.000-700.000 đồng/lượng...

Theo tính toán của chúng tôi, mức chênh lệch từ 500.000-600.000 đồng/lượng là hợp lý. Để bảo đảm an toàn cho NHNN và có lãi khi định giá đấu thầu, mức chênh lệch nên là 1 triệu đồng/lượng. Mức lãi này cao hơn mức lãi của các nước nhập khẩu vàng từ 4-5 lần tùy theo nhu cầu vàng của từng nước.

Sân chơi chưa bình đẳng

Hiện tại, có 22 tổ chức tín dụng (là các NH thương mại - TM) và 17 doanh nghiệp (DN) đã được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. 39 đơn vị này có tổng số gần 2.500 điểm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Quan sát qua 62 phiên đấu thầu cho thấy tổng số thành viên tham gia mỗi phiên dao động từ 16-22 thành viên, trong đó mỗi phiên đấu thầu, số DN tham gia dao động từ 3-6, chiếm từ 10%-15% tổng số thành viên tham gia; còn lại là các tổ chức tín dụng, ước lượng gần 90% số vàng đấu thầu của NHNN do các NHTM mua được.

Tại sao số lượng các DN tham gia đấu thầu vàng lại ít? Bởi, điều kiện mà NHNN đưa ra mức đặt thầu tối thiểu những phiên đầu là 500 lượng, còn những phiên sau là 1.000 lượng, những DN nhỏ không thể nào có đủ tiềm lực tài chính để tham gia. Với tỉ lệ đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng/phiên, giá mỗi lượng khoảng 41-42 triệu đồng, cộng với 10% trị giá tiền đặt cọc nữa, tổng cộng sẽ mất tối thiểu khoảng 45-46 tỉ đồng/phiên. Điều kiện này đòi hỏi các DN phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu. Trong khi đó, NHNN lại cấm các NHTM cho những công ty kinh doanh vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng. Do vậy, sân chơi đấu thầu vàng này gần như chỉ dành cho các NHTM và vài công ty vàng lớn.

Những quy định trên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, loại bỏ nhiều DN kinh doanh vàng, đặc biệt là các DN có quy mô vừa ra khỏi các phiên đấu thầu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. Qua đó có thể thấy rằng phần lớn số vàng đấu thầu của NHNN do các NHTM mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây (và đã bán ra để lấy VNĐ); số ít còn lại là các công ty kinh doanh vàng mua nhưng trong số này, nhiều DN là sân sau của các NHTM. Nói cách khác, số vàng đấu thầu được thực chất là không đưa ra thị trường mà chảy vào túi các NHTM.

Phải điều chỉnh ngay!

Các DN được cấp phép kinh doanh vàng miếng đều đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định và đã thiết lập quan hệ mua bán vàng miếng với NHNN. Việc vay vốn của các tổ chức tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN nói chung và các DN kinh doanh vàng nói riêng là hoàn toàn bình thường và phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nên cho phép các tổ chức tín dụng cho các DN vay vốn mua vàng qua đấu thầu và mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Tỉ lệ đặt thầu mức tối thiểu nên quy định là 300 lượng/phiên và mỗi bước khối lượng đặt thầu là 30 lượng để cho các DN vừa và nhỏ kinh doanh vàng có điều kiện về vốn để tham gia đấu thầu vàng miếng.

Thông qua các phiên đấu thầu vàng, NHNN có thể làm thu hẹp khoảng chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới được không? Câu trả lời là được. Bởi vì, với vai trò độc quyền xuất nhập khẩu vàng, NHNN có tài khoản vàng nước ngoài; tại thời điểm đưa ra khối lượng vàng đấu thầu, có thể mua ngay lượng vàng đưa ra gọi thầu với giá vàng thế giới tại thời điểm đó. Tại thời điểm này, NHNN cũng biết được giá vàng trong nước. Từ đó, NHNN có thể đưa ra giá sàn đấu thầu là bao nhiêu tùy thuộc vào ý đồ của mình, có thể sát hoặc không sát với giá thế giới với khoảng chênh lệch tùy ý mà không sợ lỗ.

Đẩy rủi ro về phía người giữ vàng

Hành động của NHNN đã và đang cho thấy cơ quan này không ngại nhập vàng và dự trữ ngoại hối hiện đủ mạnh để cho phép nhập khẩu vàng đến mức cần thiết để đấu thầu vàng miếng. Nhiều phiên đấu thầu liên tiếp với khối lượng lớn đã chứng minh cho điều đó. Sẵn sàng cung ứng vàng nhưng không bán giá thấp, NHNN đang giữ thế độc quyền, bán với giá cao hơn giá quốc tế. Đây là rủi ro vô cùng lớn cho người nắm giữ vàng. Sức chịu đựng rủi ro này có thể kéo dài bao lâu nữa đối với nhà đầu tư vàng?

Vì lợi ích nhóm?

Thực trạng trên cho thấy đấu thầu vàng miếng không những không bình ổn được thị trường mà còn không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, đó là: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài của các loại hình DN; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các DN; không phân biệt hình thức sở hữu, không có sự khác biệt giữa các DN lớn hoặc DN nhỏ; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh”. Qua đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi: “Liệu có lợi ích nhóm trong phương thức đấu thầu vàng hiện nay hay không?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PGS-TS NGÔ TRÍ LONG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN