Đánh thuế vàng chỉ mới là kiến nghị

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đó mới chỉ là kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước lên Bộ Tài chính.

Trước nhiều thông tin, đánh giá nhận định khác nhau về các chính sách quản lý kinh doanh vàng trong thời gian qua, PV đã trao đổi với ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để làm rõ vấn đề.

Vì sao không nhập vàng để giảm “sốt”?

NHNN thông qua Nghị định 95, Nghị định 24 thiết lập lại trật tự trong hoạt động mua bán vàng… và nay tỉ giá rất ổn định. Nhưng thưa ông, tại sao chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn khá cao?

Ông Lê Minh Hưng: NHNN thấy chưa cần can thiệp vì mức chênh lệch này dù có cao vẫn không dẫn tới nhập lậu vàng, chưa gây sức ép đến tỉ giá và không tạo cơn sốt vàng như những năm trước. Bên cạnh đó, vàng là mặt hàng xa xỉ nên khi bình ổn giá phải rất thận trọng vì có thể gây áp lực cho thị trường.

Vậy tại sao không cho một số NH nhập số vàng mua trên tài khoản đã thanh toán ngoại tệ trước đó?

Thông tư 32 cho phép một số NH bán 40% lượng vàng tồn quỹ, mở tài khoản ở nước ngoài để phòng ngừa rủi ro. Sau khi bán vàng bình ổn, NHNN đã chỉ đạo các NH đóng trạng thái ở nước ngoài và mua vàng trong nước để bù vào. Hiện nay, NH phải mua vàng vào và lỗ nặng. Tuy nhiên, NHNN kiên quyết siết việc đóng trạng thái kinh doanh vàng của các NH. Thay vì lấy chênh lệch giá vàng, NH có thể bán số vàng còn lại trên tài khoản, thu USD về bù đắp khoản chênh lệch phải mua.

Vấn đề thu thuế VAT với các giao dịch vàng thì thế nào, thưa ông?

Nghị định 24 nêu rõ, vàng không phải là phương tiện thanh toán và Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với NHNN ban hành một số chính sách thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với từng thời kỳ. Vấn đề thuế mới đây chỉ là kiến nghị của NHNN, còn phải có lộ trình nghiên cứu...

Xét về lợi ích của người dân, vì sao họ không được hưởng lợi từ việc gửi vàng?

Cũng có ý kiến rằng NHNN kiểm soát chặt vàng như với ngoại tệ thì tại sao không cho NH huy động vàng để người dân hưởng lãi suất như với ngoại tệ? Ở đây có sự hiểu nhầm, NHNN kiểm soát chặt chẽ vàng như ngoại tệ nhưng ngoại tệ khác với vàng. Việc huy động ngoại tệ để tạo thanh khoản xuất nhập khẩu, phục vụ cho nền kinh tế. Còn việc NH huy động vàng rất rủi ro, nhất là khi giá vàng biến động.

Ông nói rằng NHNN siết chặt việc NHTM cho vay và mượn vàng nhưng lại gia hạn thời gian là thế nào?

NHNN kiên quyết nhưng có lộ trình và có giám sát chặt chẽ để đảm bảo đóng đúng tiến độ. Bởi mục đích cuối cùng là chuyển quan hệ thành mua và bán để chống vàng hóa. Và thực tế thời gian qua, hệ thống NHTM đã mua vào hơn 60 tấn vàng. Cả vàng và USD được người dân bán ra lấy VND. Như thế thanh khoản VND đã tăng đáng kể. Lượng VND này có thể cho vay, đưa vào nền kinh tế phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đó là bước đi tích cực.

Vậy việc khai thác nguồn lực vàng trong dân sắp tới ra sao?

NHNN khuyến khích người dân bán ra. Các NHTM sẽ mua, bán vàng với người dân và NHNN sẽ huy động, tức là người mua vào cuối cùng. Khi thị trường căng thẳng, cần hỗ trợ thanh khoản, NHNN sẽ can thiệp nhưng phải là trường hợp đặc biệt. Còn NHNN mua vàng vào tới một mức độ nào đó, có thể sẽ xuất khẩu một lượng nhất định để lấy USD tăng thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế. Đấy là việc huy động nguồn lực vàng trong dân, chuyển vàng thành tiền mà phục vụ cho nền kinh tế.

Nhưng nếu NH huy động dưới hình thức chứng chỉ cũng góp phần huy động nguồn lực vàng trong dân, thưa ông?

NH huy động thì phải cho vay ra. Chính vì tự thấy việc huy động quá rủi ro nên họ thoải mái chấm dứt. Thực tiễn một năm vừa rồi TCTD coi như đã vỡ ra cái rủi ro này, mức độ nguy hiểm về vàng quá lớn.

Như vậy, NHNN sẽ siết chặt các TCTD đối với việc mua bán vàng giống như mua bán ngoại tệ?

Các NHTM không được huy động cho vay, cầm cố, thế chấp bằng vàng, kể cả việc kinh doanh vượt quá trạng thái theo quy định. NHNN sẽ quản lý chặt các hoạt động kinh doanh vàng miếng và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Vậy người dân có vàng muốn gửi ở NH thì sao?

Người dân có quyền tích trữ mua bán đúng nơi pháp luật quy định. Giao dịch vàng ở các NHTM lúc này chỉ có mua và bán chứ không phải là vay và mượn. Giá cả do cung cầu thị trường quyết định. Nếu muốn đảm bảo an toàn tài sản vàng, người dân cứ mang đến NH sử dụng dịch vụ giữ hộ và trả phí.

SJC được lợi?

Dư luận đặt vấn đề có hay không độc quyền nhà nước dẫn đến độc quyền DN?

Thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu đang do NHNN nắm giữ. Công ty SJC không có lợi ích và quyền lợi gì trong chuyện này. Họ cũng giống các DN kinh doanh vàng miếng khác, mua được vàng thì bán vàng chứ không sản xuất ra vàng như trước nữa.

TP.HCM đề nghị NHNN thông tin kịp thời về thị trường vàng

Trong văn bản kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, UBND TP.HCM có đề nghị NHNN chủ động thông tin chính xác, kịp thời về kế hoạch quản lý thị trường vàng, phối hợp với các đơn vị liên quan truy tìm, ngăn chặn nguồn cung cấp vàng miếng giả để ổn định tâm lý người dân. Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét chấp thuận cấp giấy phép mở (không xác định số lượng và thời gian dài hơn) cho Công ty SJC, tạo điều kiện cho SJC sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC từ nguồn vàng SJC móp méo, không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

TP còn kiến nghị giải pháp cho phép tạm xuất vàng miếng - tái nhập vàng khối để đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng vàng của các thương hiệu khác khi chuyển đổi sang SJC, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường, kéo giảm chênh lệch giá, giảm thiệt hại cho người dân và tổ chức tín dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN