Năm 2021, nhà ở bình dân có còn khan hàng?

Nhu cầu về nhà ở luôn tăng cao ở các phân khúc, trong đó đặc biệt là căn hộ bình dân, nhà ở xã hội. Vậy, năm 2021, có “cửa” nào cho phân khúc này?

Năm 2020 căn hộ bình dân hiếm, đẩy giá tăng từ 3 – 5%

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng giá nhà ở không có xu hướng giảm. Trên cả nước, giá bán căn hộ chung cư phân khúc trung cấp từ 20 - 35 triệu đồng/m2, cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Trong đó, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chỉ số về biến động giá nhà ở mức cao nhất.

Tại Hà Nội và Tp. HCM, căn hộ bình dân khan hiếm đã đẩy giá phân khúc này tăng từ 3 - 5%

Tại Hà Nội và Tp. HCM, căn hộ bình dân khan hiếm đã đẩy giá phân khúc này tăng từ 3 - 5%

Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ trung – cao cấp vẫn gần như đi ngang, nhưng giá căn hộ bình dân tăng từ 3 – 5%. Đáng chú ý tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận phân khúc căn hộ bình dân vẫn “mất hút” trên thị trường, giá sản phẩm trung – cao cấp tăng từ 15 – 20%.

“Cả 2 thị trường lớn đều có điểm chung là do giá tại khu vực trung tâm đã bị đẩy lên cao, nên các chủ đầu tư có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực xa hơn. Ở Hà Nội, những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền ở các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…” – đại diện Bộ Xây dựng cho biết.

Theo đánh giá của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, từ đầu năm đến nay, khi xảy ra dịch Covid-19, giá nhà ở vẫn được ghi nhận có sự tăng cao, nguyên nhân chính do các dự án bị chậm hoặc dừng triển khai. Bên cạnh đó, việc cấp mới dự án cũng rất hạn chế, khiến cho thị trường bị thiếu nguồn cung dẫn đến giá bán gia tăng.

"Nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, giá bán nhà trên thị trường vẫn tăng do nhu cầu ngày càng lớn và có tính cấp thiết đối với những gia đình trẻ. Mặc dù tăng giá, nhưng vì nhu cầu cấp thiết nên nhiều gia đình vẫn tìm cách để mua nhà ở, vì thế ít nhiều có tác động đến thị trường, khiến cho mặt bằng giá liên tục được thiết lập mức mới." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi cho hay.

Năm 2021 giá nhà sẽ tiếp tục tăng?

Nhận định về thị trường nhà ở năm 2011, các chuyên gia cho rằng, với đà này, khi bước sang năm 2021 thị trường sẽ có đợt tăng giá mới do thiếu nguồn cung.

Dự báo năm 2021, giá căn hộ bình dân vẫn chưa thể "hạ nhiệt" do nhu cầu còn tăng cao

Dự báo năm 2021, giá căn hộ bình dân vẫn chưa thể "hạ nhiệt" do nhu cầu còn tăng cao

Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, bước sang năm 2021, khi Luật Cư trú có hiệu lực, việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, điều này sẽ khiến các đô thị lớn tiếp nhận dân cư ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu về ở nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt với nhà ở giá rẻ.

“Như vậy, khi hàng hóa BĐS rơi vào tình trạng khan hiếm, cộng thêm việc đầu cơ, điều này sẽ khiến giá nhà tăng cao trong thời gian tới” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng nhìn nhận, trong 5 năm, 10 năm tới thì nhu cầu về nhà ở tăng cao và phân khúc nào cũng có nhu cầu, kể cả cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội, nhà công nhân…

Hiện nay, giá thành nhà ở đang tăng rất cao. Nguyên nhân giá nhà tăng vì nhiều yếu tố như cung cầu, pháp lý, vốn, đất đai. Bên cạnh các yếu tố trên, giá nhà tăng còn do yếu tố kỹ thuật như việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, căn hộ xanh, an toàn… Việc tiêu chuẩn cao kéo theo giá thành nhà ở cao, cứ đà tăng như thế này thì thị trường rất khó khăn.

Tuy vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan tâm khi sửa đổi nhiều quy định liên quan đến thị trường bất động sản như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai,… Từ việc sửa đổi các quy định, hy vọng vướng mắc, khó khăn các dự án nhà ở được tháo gỡ, thúc đẩy thị trường.

"Còn làm sao để giảm giá nhà xuống thì phải tăng nguồn cung, điều chỉnh chính sách và có cơ chế hỗ trợ các phân khúc. Những cơ chế, chính sách là rất quan trọng vì thị trường BĐS liên quan đến nhiều lĩnh vực. Chính sách thì có, rất hay nhưng thực hiện kém. Nhiều doanh nghiệp cũng trăn trở khi giá quá cao thì dễ dẫn đến khủng hoảng, bong bóng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp", ông Hà nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Ôm trái đắng vì góp tiền mua nhà công sản ở Hà Nội

Sau nhiều lần chờ đợi không mua được nhà công sản thanh lý như đã hứa, nhà đầu tư góp tiền đã làm đơn "tố"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN