Mắm bò hóc nặng mùi nhưng rất “đưa cơm” của người Khmer ở miền Tây Nam bộ

Đồng bào Khmer ở miền Tây Nam bộ rất thích lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc tự nhiên để chế biến, và một trong những đặc sản đó chính là món mắm bò hóc đậm đà khó quên.

Đến thăm nhà người Khmer ở Trà Vinh hay Sóc Trăng thường thấy vài ba lọ mắm vừa để ăn, vừa đãi khách quý. Hầu như trong các món ăn của bà con người Khmer như canh, lẩu, chiên bao giờ cũng được nêm chút mắm này cho dậy mùi.

Nhiều người nghiền món ăn này nên chỉ cần cơm trắng với mắm bò hóc cũng thấy ngon miệng vô cùng.

Quy trình chế biến mắm bò hóc không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có sự tỉ mỉ của người làm.

Mắm bò hóc thường được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà. Ảnh minh họa

Mắm bò hóc thường được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà. Ảnh minh họa

Cá dùng làm mắm thường là cá linh hay cá lóc. Mùa nước nổi này khi đánh bắt được cá linh, nhiều nhà thường  dành ra một ít làm mắm bò hóc để dành. Nếu không có hai loại cá này thì cá nước ngọt như trê hay loại cá da trơn khác cũng có thể làm được, nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là cá lóc.

Cá được rửa sạch, bỏ ruột, đánh vẩy, giã nát rồi phơi cho thật khô. Sau đó, ướp cá với các loại gia vị như đường, tiêu, tỏi rồi dằn cho rỏ hết nước và xác cá tiếp tục được sấy tương đối khô, có thể cho thêm thính vào và tiếp tục trộn trước khi cho vào hũ. Các hũ này được ủ từ 4 - 6 tháng cho đến khi thành mắm là có dùng được.

Mắm bò hóc ngoài vị ngọt của cá còn có vị béo, bùi của cơm nên mùi không quá gắt. Phía trên lọ bao giờ cũng có một lớp nước sóng sánh vàng như mật, thường được chắt riêng ra để dùng như một loại nước mắm ngon.

Mắm bò hóc không có màu đẹp như mắm tôm nhưng mùi nhẹ hơn mắm tôm một chút, thường được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà.

Trong các món ăn đậm hương vị mắm bò hóc nhất có lẽ phải kể đến bún bum bò chóc. Nếu một lần được thưởng thức món bún num bò chóc có lẽ khó ai có thể quên được.

Chỉ cần khi nồi nước dùng sôi là bạn sẽ không thể cưỡng lại được bởi mùi vị đậm đà của mắm, hương thơm của ngải búng, sả và trái chúc... Các nguyên liệu đó hòa cùng với mắm bò hóc làm nên nước lèo có vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh rất đặc trưng.

Ngoài việc sử dụng loại nguyên liệu đặc biệt này để chế biến thành những món bún đặc sản thì mắm bồ hóc còn có một số biến tấu khác là mắm bồ hóc chiên (mắm đem trộn với thịt heo hoặc thịt bò và ớt rồi chiên dùng ăn kèm với dưa leo, cà tím hoặc cơm); mắm trộn thịt, gói lá chuối rồi nướng lửa; hay mắm sống, khi dùng thì giã với sả, cà pháo, ớt vắt thêm nước chanh để làm nước chấm cũng rất ngon.

Sự phong phú trong cách chế biến, pha trộn nên mắm bò hóc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân, từ bát bún quà sáng hay bữa cơm chiều, cả trong mâm cỗ đãi khách quý phương xa.

Choáng với món ăn cực ”dị” từ mắm mực bốc mùi của người Nhật

Shiokara là món mắm được làm từ mực. Món ăn này có mùi rất "dị", đó là tổng hợp mùi thối nồng, vừa mặn vừa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN