Giá vàng “nhảy múa” điên loạn, nhiều gia đình vẫn âm thầm mua vàng phòng thân

Bất chấp giá vàng liên tục “nhảy múa” trong thời gian gần đây, vẫn có một lượng lớn tiền nhàn rỗi của người dân đang hàng ngày đổ vào kênh đầu tư được xem là “an toàn” này.

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cùng với sự biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng luôn có các đợt tăng giá, tạo sóng lớn, nhỏ về biên độ giá, có những thời điểm giá vàng đã tiến rất sát ngưỡng 50 triệu đồng mỗi lượng. Sự “nhảy múa” của giá vàng thời gian qua được xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đón sóng, kiếm lời.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có tiền nhàn rỗi cũng tìm đến vàng như một kênh tích trữ nhằm giữ an toàn cho đồng vốn của mình. Bởi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua đang khiến tiền mặt ngày càng trượt giá do thị trường chứng khoán mất điểm liên tiếp, lãi suất ngân hàng huy động hạ. Nhiều hoạt động kinh doanh cũng đã phải tạm thời đóng cửa do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh gây ra,…

Anh Hải cho biết vàng vừa là đồ trang sức vừa có thể để tích lũy nên nhu cầu mua bán của người dân vẫn rất lớn

Anh Hải cho biết vàng vừa là đồ trang sức vừa có thể để tích lũy nên nhu cầu mua bán của người dân vẫn rất lớn

Chị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) kể, trừ những lúc vàng lên cơn sốt, còn bình thường gia đình chị hàng tháng đều cố gắng tích lũy để mua 2 chỉ vàng ép vỉ bỏ két từ 3 năm nay. Nữ nhân viên văn phòng này chia sẻ hiện nay dù có nhiều cách để tiết kiệm số tiền nhàn rỗi từ thu nhập của hai vợ chồng, nhưng gia đình mình vẫn thích mua vàng vì về cơ bản vàng giữ giá, dễ mua bán, cho tặng, thậm chí có thể dùng vàng để thanh toán trong một số trường hợp.

Cũng như chị Lan Anh, chị Thu Dung (Nam Định) cho biết so với những hình thức tiết kiệm như gửi ngân hàng, đầu tư kinh doanh, đầu tư chứng khoán, mua vàng,... thì chị vẫn thích kiểu trữ vàng truyền thống. Chị chia sẻ, do thu nhập không cho phép mình để dành nhiều nên mỗi tháng chỉ cố gắng để dành khoảng một chỉ vàng, có khi hai tháng mới để dành được một chỉ vàng. Ngoài việc tích dần để phòng thân, số vàng này cũng có thể sử dụng làm quà tặng người thân trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, mừng tân gia,.... trong khi các giao dịch bằng vàng hiện nay cũng đã dễ dàng hơn trước.

Chị Dung cho biết, ở quê chị việc người dân mua vàng để làm vật phòng thân vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Theo đó, cứ sau mỗi vụ mùa, các gia đình bán nông sản dư ra ít tiền họ liền nghĩ ngay đến chuyện mua vàng tích lũy. Những người có tiền nhàn rỗi từ việc đi làm mỗi tháng cũng dành ra để mua vàng. Nhiều người cao tuổi được con cháu biếu tiền cũng để dành mua vàng phòng thân,.... Thậm chí có nhiều gia đình sau nhiều năm tích lũy được cả 'ống bơ' vàng nhẫn, dây chuyền trước khi bán đi để làm những công việc lớn của gia đình như xây nhà, mua xe cho con cái...

Ở những vùng quê thì những người dân, trong đó có cha mẹ chị thường đặt niềm tin vào các cửa hàng vàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đây thường là nhẫn tròn trơn gia công không ép vỉ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thương hiệu và dấu hiệu nhận biết và không được kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nên việc bán lại thường khó khăn, người dân có thể bị mua đắt so với giá trị thực. Do đó, để yên tâm, chị thường chọn thương hiệu vàng có uy tín và hệ thống giao dịch lớn để mua.

Trong khi đó, chị Lan Anh tiết lộ lý do mình chọn kênh mua vàng để tiết kiệm số tiền nhàn rỗi của gia đình là bởi hiện nay bên cạnh vàng miếng, thì các doanh nghiệp lớn cũng đã có nhiều loại nhẫn tròn trơn với nhiều bản vị, thậm chí nâng cấp thành vỉ nhẫn tròn trơn các loại: 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ,... Các loại vàng nhẫn ép vỉ này có tiêu chuẩn chất lượng như vàng miếng nên những người mua vàng tích lũy như gia đình chị yên tâm hơn rất nhiều.

Sự “nhảy múa” của giá vàng thời gian qua được xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đón sóng, kiếm lời.

Sự “nhảy múa” của giá vàng thời gian qua được xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đón sóng, kiếm lời.

Anh Minh Hải, chủ một cửa hàng vàng tại Phương Liệt (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết ngoài những loại vàng nữ trang, thì nhu cầu mua bán của người dân về các loại vàng ép vỉ của các thương hiệu lớn hay vàng nhẫn, dây chuyền của người dân trong khu vực cũng khá sôi động. Nhiều khách quen cứ mỗi khi lĩnh lương lại ra cửa hàng mua một hoặc hai chỉ vàng để tích lũy. Có những gia đình sau khi bán đất đai được món tiền lớn mà không kinh doanh hay gửi ngân hàng thì cũng quay ra mua vàng tích trữ. Nhiều người còn tìm tòi học hỏi nhằm lướt sóng ăn chênh lệch giá vàng lên xuống. Chủ cửa hàng này cũng cho biết, so với các kênh đầu tư khác thì tích lũy vàng khá an toàn nên hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân mua vàng tích trữ.

Còn đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội cho biết mặc dù thời gian qua giá vàng trong nước có nhiều biến động nhưng tại các chi nhánh kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ khách mua vẫn nhiều hơn lượng khách bán. Tỷ lệ chênh lệch giữa hai nhóm khách này khoảng 10%.

Cùng với đó, đại diện doanh nghiệp này cũng chia sẻ, trong thời điểm giá vàng tăng cao và diễn biến phức tạp như hiện nay thì khách hàng cần cân nhắc, thận trọng đưa ra quyết định mua hoặc bán để bảo toàn số tiền nhàn rỗi của mình. Bên cạnh đó, người mua vàng nên lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, được nhà nước cấp phép kinh doanh để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình khi giao dịch, nhất là khi mua bán vàng online để tránh những rủi ro thiệt hại về kinh tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN