Đất Hà Nội tăng chóng mặt, có một tỷ đồng vẫn khó tìm mua nhà

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù có tới 1 tỷ đồng trong tay nhưng chị Thanh Nhàn (Nam Định) thừa nhận nếu không vay mượn thêm thì những gia đình trẻ như chị sẽ khó có thể tìm được một nơi an cư ổn định tại Hà Nội ở thời điểm hiện nay.

Đang có nhu cầu tìm một nơi an cư sau gần chục năm ở thuê nhưng chị Thanh Nhàn (Nam Định) thừa nhận nếu không vay mượn thêm ngân hàng hoặc người thân thì với số tiền 1 tỷ đồng trong tay, những gia đình trẻ hiện nay vẫn khó có thể tìm mua được một chỗ ở như ý.

Chị Nhàn cho biết gia đình chị từng có kế hoạch mua nhà hoặc đất để ổn định chỗ ở từ đầu năm 2020 khi có số vốn trong tay gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đã khiến công việc của hai vợ chồng chị bị ảnh hưởng do đó gia đình chị quyết định tạm dừng kế hoạch tìm mua nhà, đất.

Sau khi những hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường từ đầu năm 2022, một lần nữa gia đình chị trở lại với kế hoạch tìm mua nhà, đất của mình. Tuy nhiên, chị rất bất ngờ với đà tăng giá của thị trường BĐS trong suốt thời gian qua. “Dù có nguồn vốn tới 1 tỷ đồng trong tay nhưng gia đình tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm một nơi an cư”, chị Nhàn thừa nhận.

Nữ nhân viên văn phòng sinh năm 1993 cho biết thời gian qua tranh thủ mỗi cuối tuần, hai vợ chồng chị tìm hiểu giá nhà đất một số khu vực cách chỗ làm hiện tại từ 10-15km. Tuy nhiên, giá nhà đất những khu vực chị tìm hiểu đều vượt quá số tiền 1 tỷ đồng gia đình chị đang có trong tay.

Chị Nhàn kể gia đình chị được giới thiệu căn chung cư cũ 65 mét vuông tại khu vực Yên Nghĩa – Hà Đông với mức giá gần 1,6 tỷ đồng. Dù khá ưng căn hộ này nhưng để đủ tiền trả cho chủ nhà, gia đình chị cần phải vay mượn thêm số tiền 600 triệu đồng nữa bên cạnh số tiền 1 tỷ đồng đang có sẵn.

Trong khi đó, khi tìm hiểu về đất nền, gia đình chị cũng thấy bất ngờ bởi đà tăng giá thời gian qua. Theo đó, mảnh đất rẻ nhất anh chị được giới thiệu có diện tích 30,3 mét vuông cũng có giá tới gần 1,1 tỷ đồng. Để có thể tìm mua được đất nền với mức giá 800 – 900 triệu đồng cho diện tích từ 30 đến 40 mét vuông, gia đình chị cần phải chấp nhận đi làm xa từ 14 đến 16km. Bên cạnh đó, mua được đất rồi, gia đình chị cũng cần phải bỏ ra thêm vài trăm triệu để có thể xây nhà ổn định nơi an cư.

Tìm một nơi an cư ở những TP lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn là giấc mơ với nhiều người

Tìm một nơi an cư ở những TP lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn là giấc mơ với nhiều người

Chị Nhàn thừa nhận với giá xăng hiện nay thì việc đi làm xa tới 16km là một bài toán nan giải với cả hai vợ chồng. “Với số tiền 1 tỷ đồng trong tay như hiện nay, để cụ thể giấc mơ mua nhà đất thì chúng tôi vẫn phải vay mượn thêm”, nữ nhân viên văn phòng cho biết.

Tương tự, gia đình anh Tuấn sinh năm 1991 tại Bắc Ninh cũng cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm một nơi an cư cho gia đình ở Hà Nội với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Theo anh Tuấn, hiện nay mức giá chào bán chung cư cũ từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng trên thị trường là rất ít, hiếm và thường ở những khu vực vùng ven cách xa khu vực trung tâm từ 15 - 20km.

Trong khi đó, giá đất nền nhiều nơi cũng tăng cao thời gian qua, do đó để tìm được một nơi an cư cách chỗ làm 10 km ở thời điểm hiện nay số tiền bỏ ra phải từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Với số tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng như gia đình anh đang có hiện nay thì vẫn phải vay mượn thêm vài trăm triệu nữa để có thể chấm dứt những tháng ngày ở trọ.

Anh Tuấn chia sẻ những ngày qua cũng đã tìm hiểu nhiều ngân hàng về lãi suất và thủ tục vay vốn mua nhà đất nhưng hiện nay lãi suất vay cao hơn và thủ tục xét duyệt khó khăn hơn trước đây. Đặc biệt, trước thông tin các ngân hàng đang siết chặt cho vay về bất động sản nên anh càng lo lắng hơn vì khó có thể xoay sở thêm nguồn vốn nào khác trong bối cảnh này.

Trong khi nhiều gia đình trẻ vẫn gặp khó trong việc mua nhà đất để ổn định chỗ ở thì thị trường bất động sản cũng đang chứng kiến hiện tượng lạ khi lượng giao dịch giảm nhưng giá vẫn tăng mạnh.

Theo thống kê của một chuyên trang về bất động sản, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm mua nhà, đất trên chợ online ghi nhận đà đi xuống, cụ thể nhà riêng giảm 9%, đất nền giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, mức độ quan tâm đất nền bán trên cả nước giảm 18% so với tháng 3 và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá chung cư tại các đô thị lớn vẫn đang trên đà tăng. Giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội và TP HCM trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng lần lượt là 9% và 3,4% so với trung bình giá cả năm 2021.

Trước đó, báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản cho thấy, trong quý 1/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý 1/2022 tại 8 địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy giá bất động sản tăng khá cao ở nhiều loại hình.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số tỷ lệ cũng tăng lần lượt là 2,48% với giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và và đất nền đắt hơn 3,6%.

Chia sẻ về hiện tượng lượng giao dịch BĐS giảm trong khi mức giá vẫn ghi nhận tăng trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là mất cân đối giữa cung - cầu.

“Sự chênh lệch lớn vì nhu cầu đầu tư lớn, nhà nhà người người thích đi đầu tư bất động sản, không muốn đầu tư kinh doanh sản xuất bởi hiệu quả thấp, bấp bênh, hiện sức mua còn yếu.

Thứ hai, tâm lý muốn làm gì cho kiếm tiền nhanh, do đó họ dồn tiền đi đầu tư bất động sản. Vì thế, dẫn đến nguồn cầu tăng khủng khiếp trong khi nguồn cung quá thấp, gần như không có. Từ việc không có nguồn hàng dẫn đến cứ chỗ nào có hàng, có dự án đều đưa ra giá cao”.

Ông Đính cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề hiện nay của thị trường thì Nhà nước cần điều chỉnh chính sách, điều tiết các dự án, đưa lượng hàng vào thị trường mạnh hơn. Từ đó, thị trường sẽ điều tiết, cân đối lại cung và cầu. Thứ hai, cần có chính sách kích thích hoạt động sản xuất bằng việc điều tiết chính sách thuế để hạn chế đầu cơ, tích trữ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thiên Tân của ông Đỗ Thanh Tùng sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào?

Dù có vốn điều lệ chỉ 400 tỷ đồng, Thiên Tân đang sở hữu khoản đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng vào Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) của đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN