“Sân chơi nóng” bùng nổ, sàn HOSE kinh doanh ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với tốc độ bùng nổ của thị trường chứng khoán, trong năm 2021 sàn HOSE cũng ghi nhận mức lãi kỷ lục trong lịch sử 21 năm hoạt động.

Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong năm 2021 số tài khoản giao dịch chứng khoán ghi nhận mức tăng mạnh. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã mở mới tới gần 1,54 triệu tài khoản, tăng 56% so với cuối năm 2020.

Cùng với việc có hàng trăm nghìn tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới mỗi tháng, báo cáo thường niên năm 2021 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, trong năm 2021, đơn vị này ghi nhận doanh thu kỷ lục lên tới 3.237,1 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với thực hiện năm 2020 và đạt 187% so với kế hoạch đã đề ra.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ chiếm tới 92,23%, đạt hơn 2.985 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ của HOSE đạt 110,7 tỉ đồng, tăng trưởng 30,87%. Ở hướng ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính năm 2021 của HOSE có xu hướng giảm gần 13% khi chỉ đạt 51,3 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà đang nắm giữ vị trí quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM

Bà Nguyễn Thị Việt Hà đang nắm giữ vị trí quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM

Tổng chi phí được HOSE hạch toán trong kỳ ở mức 701,3 tỉ đồng, tăng gần 95% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chi phí giám sát thị trường là chi phí có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của HOSE, chiếm 70,6% tương ứng 494,86 tỷ đồng, tăng 241,7% so với năm 2020. Đây là chi phí có sự biến động tỉ lệ thuận với doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán.

Chi phí công cụ, dụng cụ khấu hao tài sản cố định chiếm 8,37% tổng chi phí với mức 58,72 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái. Khoản chi phí lương và các khoản phải đóng cho người lao động tăng 12,3%, chiếm 11,9% tổng chi phí. Phần chi phí còn lại chiếm 9,17% trong tổng cơ cấu chi phí của HOSE năm 2021.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến sôi động, năm 2021, HOSE báo lãi trước thuế 2.536 tỉ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị này, vượt xa kế hoạch lãi trước thuế 648 tỉ đồng đã đề ra.

Cùng với số lãi kỷ lục, HOSE nộp về Ngân sách Nhà nước và cơ quan cấp trên khoảng 2.315,8 tỷ đồng, tăng 356,4% so với năm 2020. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 507,3 tỷ đồng, tăng 369,1 tỷ đồng, tăng 266,9% so với năm 2020. Đóng góp từ lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định vào Ngân sách Nhà nước và cơ quan cấp trên khoảng 1.808,5 tỷ đồng, tăng 390% so với năm trước.

Theo HOSE, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm bứt phá về thanh khoản, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Lần đầu tiên, theo thống kê của WFE, tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%. Bên cạnh đó, chỉ số VN Index (+35,73%) tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng so với các nước trong khu vực (Singapore (+9,84%), Malaysia (-3,67%), Thái Lan (+14,37%), Indonesia (+10,07%)).

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, chỉ số VN Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020. Đặc biệt vào ngày 25/11/2021, chỉ số VN Index đạt 1.500,81 điểm, cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường. Thanh khoản thị trường đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2020. Đây cũng là năm có nhiều phiên giao dịch tỷ USD, một số phiên có giá trị gần 2 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 5.800.000 tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán, tăng hơn 5 lần so với năm 2020; dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, đa phần các doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2021 thể hiện sức chống chọi và phục hồi khá tốt.

Hiện đơn vị này hiện đang thử nghiệm hệ thống giao dịch lô lẻ với kỳ vọng sẽ triển khai ngay từ đầu tháng 6/2022. Cùng với đó, hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX) cũng được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ sớm được HOSE đưa vào vận hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ túi thêm gần 2.700 tỷ đồng, tỷ phú Trần Đình Long trở lại Top 2 người giàu nhất Việt Nam

Với việc bỏ túi thêm gần 2.700 tỷ đồng sau hai phiên giao dịch đầu tuần, tỷ phú Trần Đình Long đã trở lại vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN