Syria: Quân nổi dậy đã bỏ lỡ thời cơ vàng

Sự kiện: Chiến sự Syria

Quân nổi dậy ở Syria đã bỏ lỡ thời cơ vàng để giành ưu thế trên chiến trường khi Mỹ rục rịch đánh Syria.

Các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ cho rằng lực lượng nổi dậy chiến đấu chống lại quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bỏ lỡ “thời cơ vàng” chiến lược trên chiến trường khi quân đội chính phủ phải sơ tán lực lượng để chuẩn bị đối phó với cuộc tập kích đường không của Mỹ.

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc quân đội chính phủ phải phân tán binh lực đã tạo ra cơ hội ngàn năm có một cho phe nổi dậy mở những đợt tấn công hiệu quả, và việc lực lượng nổi dậy không nắm bắt được cơ hội này cho thấy tình trạng thiếu khả năng lãnh đạo và điều phối trong phe nổi dậy. Đây cũng là những vấn đề trầm kha của phe nổi dậy Syria kể từ khi họ bắt đầu đứng lên chống lại quân đội chính phủ cách đây 2 năm rưỡi.

Syria: Quân nổi dậy đã bỏ lỡ thời cơ vàng - 1

Một chiến binh phe nổi dậy ở Syria

Cách đây không lâu, khi cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria căng thẳng đến mức mọi người đều tin rằng cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria là không thể tránh khỏi, các đơn vị quân đội trọng yếu của Syria đã phải rời bỏ doanh trại và sơ tán vào các khu dân cư, trường học và bệnh viện. Họ phân tán binh lực như vậy để tránh bị tổn thất nặng nề do tên lửa hành trình của Mỹ vốn có độ chính xác rất cao và khả năng hủy diệt rất lớn.

Tuy tình hình cực kỳ thuận lợi như vậy nhưng phe nổi dậy ở Syria không hề có một động thái phản ứng lớn nào.

Chuyên gia Aram Nerguizian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ nhận định: “Một trong những vấn đề của phe đối lập ở Syria là hệ thống chỉ huy. Nếu bạn có 4 lữ đoàn quân nổi dậy, trên giấy tờ bạn có trong tay từ 100.000 đến 120.000 quân. Tuy nhiên lực lượng này lại có hệ thống chỉ huy và liên lạc y như thời Thế Chiến 1.”

Theo ông Nerguizian, vấn đề thứ hai mà phe đối lâp Syria gặp phải là mặc dù họ có nguồn nhân lực nhưng họ không có hệ thống chỉ huy thống nhất để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn bằng bộ binh.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Nerguizian chỉ ra rằng các đơn vị đồn trú của quân đội Syria bên trong lãnh thổ của phe đối lập với lực lượng chỉ vài trăm người nhưng có thể trụ vững và đánh bại các đợt tấn công của lực lượng đối lập có quân số đông hơn rất nhiều.

Một ví dụ khác là quân nổi dậy Syria phải mất nhiều tháng trời, thậm chí nhiều năm mới chiếm được những mục tiêu có giá trị cao ở khu vực mà học chiếm đóng ở phía bắc, chẳng hạn như căn cứ không quân Menagh gần Aleppo, thế nhưng lại mất mục tiêu này chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Syria: Quân nổi dậy đã bỏ lỡ thời cơ vàng - 2

Xe tăng quân đội chính phủ Syria tiến vào Qusair do quân nổi dậy chiếm giữ hồi tháng 6

Sau khi được bổ nhiệm làm chỉ huy cái gọi là Bộ tư lệnh Tối cao của quân nổi dậy hồi đầu năm, tướng Salim Idriss, một vị tướng đào ngũ từ quân đội Syria đã thừa nhận rằng ông sẽ phải đối mặt với những vấn đề trong việc hình thành một hệ thống chỉ huy có khả năng chỉ đạo được các lữ đoàn của Quân đội Syria Tự do (FSA), trong khi các chỉ huy của lực lượng này vốn có truyền thống hoạt động độc lập.

Đối với phe nổi dậy Syria, để thực hiện được một vụ tấn công với sự tham gia của nhiều lữ đoàn, họ phải mất nhiều ngày đàm phán, đặc biệt là khi có sự tham gia của các đơn vị thánh chiến như al-Qaida.

Ông Nerguizian nhấn mạnh: “Phe nổi dậy đã quay lại với chiến thuật tiêu hao mạnh ai nấy đánh của mình với hy vọng rằng những thiệt hại lẻ tẻ này sẽ làm nhụt nhuệ khí của lực lượng quân đội Assad.”

Theo các chuyên gia quân sự, tình hình còn tệ hại hơn khi ngay trong nội bộ của phe nổi dậy, việc đấu đá lẫn nhau giữa những chiến binh thánh chiến và các đơn vị FSA do phương Tây hậu thuẫn ngày càng gia tăng, đỉnh điểm là việc các chiến binh al Qaida sát hại 3 chỉ huy FSA ở Latakia và Idlib.

Ngoài ra, chuyên gia Yezid Sayigh thuộc Trung tâm Trung Đông Carnegie cũng nhấn mạnh rằng phe nổi dậy đã không xây dựng được một chiến lược chính trị có thể thuyết phục được những người ủng hộ ông Assad thay đổi lập trường hay thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Ông Sayigh nói: “Phe nổi dậy đã thiếu sự lãnh đạo chính trị ngay từ đầu. Đôi khi sự thiếu thống nhất trong phe nổi dậy bị phương Tây nói vống lên để lấp liếm cho sự thiếu hụt một chiến lược chính trị rõ ràng nhằm đạt tới mục đích cuối cùng.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Chiến sự Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN