Đau đầu vì nụ cười Phó Tổng thống Mỹ

Dù không quá bí hiểm như Mona Lisa, nhưng giới truyền thông sốt sắng tìm cách giải mã nụ cười của Joe Biden trong cuộc tranh luận ứng viên Phó Tổng thống Mỹ - ông cười một cách tự đại, khinh thường hay chỉ đơn giản khoe hàm răng trắng bóng?

Cuộc tranh luận ứng viên Phó Tổng thống hôm thứ năm giữa Joe Biden và Paul Ryan tưởng chừng chỉ là phần "phụ họa" cho các cuộc đấu trí giữa hai ứng viên Tổng thống thì lại thành trung tâm chú ý của dư luận.

Tờ New York Times nói rằng cuộc tranh luận này chính là những gì còn thiếu trong phiên thể hiện trước đó giữa ứng viên Tổng thống Barack Obama và Mitt Romney hôm 4/10.

Mặc dù kém 27 năm kinh nghiệm nhưng ứng viên phe Cộng hòa Paul Ryan - thượng nghị sĩ điển trai của bang Wisconsin - cố gắng không kém cạnh trước Phó Tổng thống Joe Biden trong những lĩnh vực được cho là sở trường của đối thủ, đó là chính sách và quan hệ đối ngoại.

Tuy nhiên, Biden đã tấn công ngay từ phút đầu tiên cho tới phút cuối cùng và cả khi đối phương đang phản bác. Với tất cả kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết rành rẽ, sự sắc bén và sứ mệnh ghi điểm để cứu vãn màn trình diễn nghèo nàn của Tổng thống Obama trước đó, Joe Biden không để cho đối thủ có một chút cơ may nào để tấn công.

Đau đầu vì nụ cười Phó Tổng thống Mỹ - 1

Biden đã tấn công ngay từ phút đầu tiên cho tới phút cuối cùng

Mọi pha tấn công của Ryan chọc vào các điểm được cho là yếu thế của phe Dân chủ đều bị Biden bẻ cong. Trên trang mạng Twitter, một người dùng bình luận rằng: "911 đâu, ở đây có cảnh bố đánh con này".

Thậm chí, Biden không để cho đối thủ kịp phản bác cho hết lời. Ông không chỉ phản bác bằng ngôn từ, mà còn bằng tất cả những gì mà ngôn ngữ cơ thể có thể biểu hiện, bằng cái nháy mắt với khán giả xem truyền hình, hoặc bằng nụ cười nhếch mép công khai mỉa mai. Thậm chí, ông không ngại "ban" cho đối thủ một tràng cười lớn giữa phiên tranh luận, hay kêu thật lớn trước máy quay truyền hình "Ôi Trời".

Nụ cười quá bí hiểm?

Sau khi màn trình diễn nảy lửa kết thúc, chủ đề tốn giấy mực nhất trên báo chí và tốn tin nhắn nhất trên các mạng xã hội của Mỹ không phải là chính sách đối ngoại hay ai đã nói hớ suốt 90 phút qua. Mọi chủ đề đều xoáy vào việc giải thích ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện "máu lửa" của ngài Phó Tổng thống.

Dù không quá bí hiểm như Mona Lisa, nhưng giới truyền thông sốt sắng tìm cách giải mã xem nụ cười của Joe Biden có hàm ý gì - ông cười một cách tự đại, hay khoái trá, hay mỉa mai, châm chọc, khinh thường hay chỉ đơn giản khoe hàm răng trắng bóng?

Đau đầu vì nụ cười Phó Tổng thống Mỹ - 2

Giới truyền thông sốt sắng tìm cách giải mã xem nụ cười của Joe Biden có hàm ý gì

"Tôi không chắc đó là gì - một nụ cười ư? Không hẳn" - Katherine Hall Jamieson, giáo sư về truyền thông chính trị tại Đại học Pennsylvania nói. "Đó cũng không phải là một nụ cười ngạo. Đó thực sự là một thứ gì đó để nói lên rằng: Tôi có câu trả lời cho việc này và tôi đang giữ nó đây".

Trong khi nhiều người cho rằng nụ cười "toe toét" của Biden nhằm hạ thấp đối thủ thì phe Cộng hòa lập tức đổ thừa rằng ngài Phó Tổng thống đang cười nhạo trước các vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Biểu hiện đó có thích đáng không?

Giáo sư Jamieson nói: Phe Cộng hòa đang tìm cách tận dụng lập luận rằng Biden đã hành xử một cách mất phương hướng. Còn tất nhiên, phe Dân chủ thì cho rằng màn trình diễn đó thật tuyệt.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này nghĩ rằng bất kể việc một số khán giả cảm thấy khó chịu với cách thể hiện của Biden thì điều đó vẫn khiến ông kiểm soát được nghị trình.

"Tôi nghĩ đó là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm cản trở Ryan" - Jerry Shuster, giáo viên về truyền thông chính trị tại Đại học Pittsburgh, nhận định. "Ông ấy (Ryan) thậm chí không thể trình bày xong một ý kiến".

Trong mọi trường hợp, có vẻ như đây chính là những gì mà Tổng thống Obama cần từ người đồng hành của mình. "Nếu tôi là người tư vấn của Tổng thống, tôi có thể nói rằng "đây chính là những gì mà tôi đã yêu cầu" - Shuster nói.

Chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể Lillian Glass lại cho rằng "Ông ấy đã cậy lớn, tự mãn, ông ấy chen ngang... Tôi nghĩ là ông ấy đã để mất thông điệp của mình vì các cử chỉ trên khuôn mặt".

Lillian Glass nói thêm rằng nhiều người có thể coi Biden đã thắng trong cuộc tranh luận, nhưng "từ ngôn ngữ cơ thể mà nói, ông ấy đã thua".

Bài học về ngôn từ

Ở khía cạnh này, có vẻ như Biden đã rất thành công khi cố neo vào đầu cử tri Mỹ hai cụm từ "một mớ bịp bợm" và "một đám vớ vẩn" - cốt chỉ để khắc họa sự không trung thực của phe đối thủ. Hai cụm từ này ngay lập tức "gây sốt" và lan truyền như một hiệu ứng trong cộng đồng mạng.

Không có gì ngạc nhiên khi hai cụm từ này được nhắn tin và phản hồi nhiều nhất trên mạng Twitter sau khi kết thúc phiên tranh luận.

Biden đã dùng từ "bịp bợm", từ này hiểu theo tiếng lóng còn có nghĩa là "ngu ngốc, vô nghĩa". Nhưng không chỉ vậy, cụm từ này còn thể hiện một phong cách bình dân đầy cuốn hút của ngài Phó Tổng thống.

Ông nói với Ryan rằng: “Với tất cả sự kính trọng thích đáng, đây đúng là một mớ bịp bợm”. Biden đã làm điều mà phe Dân chủ muốn Obama thực hiện trong tuần trước với Romney: Vạch mặt đối thủ khi nào anh nghĩ rằng đối thủ không đáng tin.

Biden còn nói với Ryan: “Đấy là một đám vớ vẩn” khi ngài nghị sĩ chỉ trích cách Tổng thống Obama đối xử với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Giáo sư Shuster của Đại học Pittsburgh nói rằng ông thích cụm từ này, cho dù ông nghĩ Biden muốn nói điều gì đó còn nặng lời hơn thế.

Tuy nhiên, dù công chúng có muốn yêu hay ghét lối thể hiện có phần quá khích của Biden, thì không ai có thể phủ nhận thực tế rằng ông mới là người chiếm lĩnh buổi đối thoại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Lượng (Vietnamnet/New York Times, AP, Slate)
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN