Tàu sân bay Trung Quốc tập trận gần căn cứ Mỹ ở đảo Guam: Chuyên gia nói gì?

Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã hoàn tất cuộc tập trận kéo dài gần 30 ngày ở phía tây Thái Bình Dương cùng lực lượng tên lửa.

Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong một cuộc tập trận. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong một cuộc tập trận. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Việc CCTV tiết lộ lực lượng tên lửa tham gia tập trận cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông gần đảo Guam nhằm gửi thông điệp răn đe tới Mỹ, các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, theo SCMP.

Cuộc tập trận diễn ra cách đảo Guam khoảng 741km về phía tây bắc, với sự tham gia của tàu sân bay Sơn đông, tàu khu trục Type 055, hai tàu khu trục Type 052D, hai khinh hạm Type 054A và một tàu hậu cần Type 901.

Việc tàu chiến Trung Quốc tập trận gần đảo Guam không phải là chưa từng xảy ra, nhưng dấu hiệu đáng chú ý là sự tham gia của lực lượng tên lửa.

Cuộc tập trận có thể nhằm nâng cao khả năng tấn công tên lửa tầm xa của Trung Quốc nhằm vào các mục tiêu di chuyển trên biển hoặc các căn cứ hải quân nằm ngoài chuỗi đảo thứ nhất, SCMP cho biết.

Chuỗi đảo thứ nhất là chiến lược của Mỹ nhằm tạo thành một rào cản ngăn Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở phía tây Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh, cuộc tập trận mà CCTV thông báo nhằm kiểm tra khả năng tấn công chính xác của tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong ở vùng biển cách xa hàng ngàn km.

"Tấn công chính xác mục tiêu nằm ngoài chuỗi đạo thứ nhất là một thách thức lớn đối với lực lượng tên lửa", ông Zhou nói. "Trong cuộc tập trận, tiêm kích hạm J-15D cất cánh từ tàu Sơn Đông có thể đóng vai trò là 'tai mắt trên bầu trời' của lực lượng tên lửa, giúp xác định mục tiêu cách xa địa điểm phóng hàng ngàn km".

Ông Zhou nói bản tin trên CCTV có thể được coi là một phần trong chiến lược răn đe, cảnh báo Mỹ và đồng minh của Mỹ về năng lực tấn công tầm xa của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng với đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Lực lượng tên lửa Trung Quốc phụ trách kho tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, bao gồm các mẫu tên lửa đạn đạo Đông Phong.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau nói lực lượng tên lửa Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 (DF-26) với sự hỗ trợ chỉ thị mục tiêu từ tàu sân bay.

Tên lửa DF-26, được Trung Quốc gọi là "sát thủ tàu sân bay", có tầm bắn 4.000km, đủ để đánh trúng đảo Guam từ đại lục. "Thách thức từ tên lửa DF-26 là lý do Mỹ đang nâng cấp hệ thống phòng không ở Guam", ông Wong nói về kế hoạch chi 1,5 tỷ USD của Mỹ để lắp đặt thêm lá chắn tên lửa trên đảo.

Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan, nói quân đội Trung Quốc trước đây đã từng thử nghiệm khả năng tấn công mục tiêu bằng tên lửa đạn đạo tầm xa với sự hỗ trợ chỉ thị mục tiêu từ tàu khu trục Type 052D và tàu đổ bộ Type 071.

"Cuộc tập trận của tàu sân bay luôn thu hút sự chú ý nên cuộc tập trận của tàu Sơn Đông là cơ hội tốt để Bắc Kinh cảnh báo Mỹ về vấn đề Đài Loan”, ông Lu nói.

Tháng 8/2020, quân đội Trung Quốc từng phóng thử tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B nhằm vào mục tiêu giả định di chuyển trên biển.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng huy động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tập trận kéo dài 15 ngày, cách đảo Guam của Mỹ khoảng 660km, theo SCMP.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Canada tuyên bố đanh thép giữa căng thẳng leo thang với Trung Quốc

Canada sẽ không bị đe dọa khi Trung Quốc trả đũa bằng cách trục xuất lãnh sự Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ngày 9/5.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN