Tài sản của đại gia Nguyễn Đức Thụy bị thổi bay hơn 7.000 tỷ đồng trong một tuần

Cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong tuần, khối tài sản của ông bầu Nguyễn Đức Thụy cũng bị thổi bay hơn 7.000 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 21/1, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 7,59 điểm kết thúc ở mức 1.472,89 điểm; HNX-Index tăng 6,04 điểm, lên mức 417,84 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 23,13 điểm (giảm 1,55%), HNX-Index còn tiêu cực hơn khi giảm tổng cộng 49,02 điểm (giảm 10,5%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 745 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 28,19% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 96 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 26,27%.

Cùng với đà lao dốc của chỉ số HNX-Index trong tuần từ ngày 17 đến 21/1, khối tài sản của đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy cũng đã bị thổi bay tới hơn 7.000 tỷ đồng so với tuần trước đó.

Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings, doanh nghiệp mà đại gia người Ninh Bình là người sáng lập và cổ đông lớn đóng cửa với mức giá 170.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm tới 82.000 đồng/cổ phiếu so với giá kết phiên giao dịch ngày 14/1, giảm 32,48% sau 5 phiên giao dịch. Với mức giảm này, THD của CTCP Thaiholdings cũng là mã cổ phiếu giảm nhiều nhất trong tuần trên sàn HNX-Index.

Tài sản của đại gia Nguyễn Đức Thụy giảm mạnh cùng đà giảm của cổ phiếu THD trong tuần từ 17 đến 21/1

Tài sản của đại gia Nguyễn Đức Thụy giảm mạnh cùng đà giảm của cổ phiếu THD trong tuần từ 17 đến 21/1

Cùng với đà giảm của cổ phiếu THD, với việc đang sở hữu hơn 87,4 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này, khối tài sản của bầu Thụy đã bị thổi bay hơn 7.167 tỷ đồng.

Trong tuần giao dịch từ ngày 17 đến 21/1, mã cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nơi bầu Thụy là Phó Chủ tịch HĐQT cũng ghi nhận mức giảm 100 đồng/cổ phiếu so với phiên cuối tuần trước để đóng cửa tuần ở mức giá 21.700 đồng/cổ phiếu.

Với việc đang sở hữu hơn 34 triệu cổ phiếu của ngân hàng này, khối tài sản của bầu Thụy ghi nhận mức giảm thêm hơn 3,4 tỷ đồng nữa.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, khối tài sản của bầu Thụy nắm giữ có giá trị tương đương 15.646 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm hơn 7.170 tỷ đồng so với tuần liền trước (hơn 22.817 tỷ đồng vào ngày 14/7).

Mới đây, LienVietPostBank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh của năm 2021 chưa kiểm toán. Trong quý 4, LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.  

Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 3.638 tỷ (+49,9%) và 2.873 tỷ (+54,3%), vượt 14% so với kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng đạt 289.194 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,3% lên gần 208.954 tỷ và chiếm hơn 72% tổng tài sản.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 1,43% hồi đầu năm xuống còn 1,33%. Dự phòng rủi ro cho vay trong năm 2021 tăng thêm 40% lên 3.171 tỷ đồng.

So với cuối năm 2020, tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank chỉ nhích nhẹ 3,3% lên 180.273 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chỉ chiếm chưa đầy 10% với 17.843 tỷ đồng.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục trải qua nhiều phiên giao dịch giảm sàn với khối lượng dư bán lớn sau hành động bán chui gần 75 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Xét cả tuần các mã cổ phiếu nhóm này giảm trung bình quanh mức 20%.

Tuy vậy, tình hình có vẻ khả quan hơn cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu “họ FLC”. Vào phiên cuối tuần, dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại và tình cảnh “trắng bên mua” đã tạm thời qua đi. Ngay lập tức, các mã FLC, ROS, HAI, ART,... bật tăng mạnh mẽ trở lại, điều này cũng giúp khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết hồi phục đáng kể ở phiên giao dịch ngày 21/1.

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần tới, các chuyên gia của công ty Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể xuất hiện nhịp giảm sớm do áp lực bán được thúc đẩy bởi kháng cự MA10 và MA50 ngay tại vùng 1475-1478 điểm. Tùy thuộc vào cường độ bán mạnh hay yếu mà chỉ số này có thể kiểm định lại đường MA5 đang nằm ở 1455 điểm.

Từ vùng hỗ trợ giá thấp này, VCSC kỳ vọng lực mua sẽ có sự hồi phục trở lại, giằng co giúp VN-Index hồi phục lấy lại phần điểm giảm đầu ngày, thậm chí là tăng điểm.

Ở kịch bản tích cực nếu VN-Index đóng cửa trên kháng cự tại 1.478 điểm, chỉ số này có thể sẽ tăng lên kháng cự MA20 ngày ở vùng 1.495 điểm. Ngược lại, nếu lực bán áp đảo khiến cho VN-Index giảm sâu, chỉ số này có thể sẽ phải kiểm định lại đường MA100 ngày đang nằm ở vùng 1.430-1.435 điểm.

Nguồn: [Link nguồn]

Ai là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp nhà đại gia Nguyễn Văn Đạt?

Ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021, nhưng vay nợ doanh nghiệp của nhà đại gia Nguyễn Văn Đạt cũng tăng hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Biến động tài sản doanh nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN