Đấu giá “biển số đẹp” xe ôtô: Người nghèo có cơ hội sở hữu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, một số đại biểu cho rằng, nên quy định mức sàn của giá khởi điểm, bên cạnh đó cần có chính sách về thuế và đăng ký tài sản đối với biển số trúng đấu giá...

Sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng việc ban hành nghị quyết này là cần thiết.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết còn một số nội dung cần làm rõ trong dự thảo. Ông Trần Sỹ Thanh đặt vấn đề nếu đang sở hữu một chiếc xe đã có biển số, được lựa chọn theo hình thức ngẫu nhiên như hiện hành, nhưng sắp tới muốn đấu giá để lấy biển số khác, gắn vào chiếc xe này thay cho biển số cũ thì có được hay không?

Ông Trần Sỹ Thanh cho rằng đây là vấn đề được nhiều người đặt ra, do đó cơ quan soạn thảo cần tính toán, làm rõ để dễ thực hiện khi Nghị quyết được ban hành.

Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá.

Mức giá khởi điểm được quy định theo vùng, 40 triệu đồng được áp dụng ở Vùng 1 gồm Hà Nội và TP HCM; mức giá khởi điểm 20 triệu đồng áp dụng ở Vùng 2 là các địa phương còn lại.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự thảo Nghị quyết đưa ra mức giá tối thiểu, nhưng mức giá cần đưa lên cao hơn. Ông Thanh đề nghị dự thảo Nghị quyết chỉ quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định mức giá khởi điểm, bước giá. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho rằng với Hà Nội, bước giá phải 20, 40, 50 triệu đồng thì đấu giá mới nhanh, có thể 10 phút đã xong.

"Nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo, như Đắk Lắk, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói đề nghị nguồn thu từ đấu giá nên đưa về địa phương.

Cùng góp ý về nội dung giá khởi điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng việc xác định giá khởi điểm theo vùng 1 là 20 triệu, vùng 2 là 40 triệu sẽ không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt vùng 1, 2. Do đó, đề xuất chỉ cần thống nhất 1 mức giá khởi điểm khi triển khai. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị thống nhất chọn 1 giá khởi điểm là 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), phải có chính sách thu thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá thì mới có dữ liệu để quản lý và cũng là để hạn chế tình trạng đầu cơ, và đảm bảo sự công bằng xã hội thì khi chuyển nhượng.

Đưa ra nhận định việc có nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại rất lâu của người dân, có khi biển số đẹp bằng giá trị của cả chiếc xe, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ra 3 vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng là bảo đảm công bằng, tương thích pháp luật và bảo đảm an ninh, trật tự. Trong đó, về vấn đề bảo đảm công bằng, đại biểu cho rằng, nhiều người dân muốn sở hữu biến số đẹp nhưng không có tiền đấu giá, họ hi vọng khi cấp số ngẫu nhiên sẽ được biển số đẹp; như vậy có bảo đảm công bằng hay không?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn vì trong Dự thảo Nghị quyết không quy định rõ “thế nào là biển số xe đẹp” và không có danh mục “biển số xe đẹp”. Do đó cần quy định rõ “biển số xe đẹp”, “thành lập hội đồng quyết định và đưa ra danh mục biển số xe đẹp” để người có nhu cầu lựa chọn biển số và tham gia đấu giá.

“Khi người dân đấu giá thành công biển số xe đẹp thì đó là tài sản cá nhân, có quyền sở hữu và định đoạt. Nhưng nếu không quy định cụ thể biển số đó được gắn cho bao nhiêu chiếc xe. Vì nếu trong 3 năm đổi 10 chiếc xe, nghĩa là gắn biển số đó lên 10 chiếc xe thì rất khó cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, sau thời gian 3 năm thí điểm phải tổng kết và quyết định có thí điểm nữa hay không. Do vậy cũng cần quy định rõ tài sản cá nhân là biển số xe ở thời điểm đó sử dụng như thế nào”- đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, kho số là tài sản công, biển số là của cá nhân nhưng Nghị quyết này đang coi biển số là tài sản công thì chưa phù hợp. Do đó, cần định nghĩa thế nào là số đẹp, phân chia các loại số đẹp, bởi nếu không có khái niệm về vấn đề này thì không tổ chức thực hiện được.

Đồng tình với việc khai thác kho số nhằm thu ngân sách, song đại biểu Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần có một điều quy định về nguồn thu từ đấu giá đưa vào đâu, ai giữ, dùng vào việc gì để sau này Quốc hội còn biết, giám sát…

Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) đã lý giải vấn đề biển số nào sẽ nằm trong danh mục để đưa ra đấu giá. Ông Khánh lấy dẫn chứng tại Hà Nội, từ 1-1-2023, đăng ký biển số xe ô tô sẽ sang đầu số M thì trước 45 ngày, cơ quan đăng ký sẽ thông báo công khai dãy số đầu "M" bao gồm có bao nhiêu số được đưa vào đăng ký từ thời điểm này để người dân quan tâm lựa chọn.

"Ví dụ trong một vạn số, có khoảng 3.000 người quan tâm biển số theo sở thích. Nếu một số nào bắt đầu xuất hiện nhu cầu của một người lựa chọn trở lên thì đưa vào danh sách để đấu giá. Nếu có một người duy nhất đấu giá sẽ rơi vào trường hợp một người đăng ký, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Từ 2 người trở lên sẽ đấu giá như phổ thông bình thường"- ông Vũ Huy Khánh nêu rõ.

Cũng theo vị đại biểu, nếu hết thời gian thông báo 45 ngày, số còn lại sẽ đưa vào kho để người dân không có nhu cầu đấu giá để bấm ngẫu nhiên. Ông Khánh khẳng định số ngẫu nhiên để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ không bao giờ thiếu.

Nguồn: [Link nguồn]

Hết thời tăng giá gấp đôi, hàng nghìn biệt thự, liền kề không có thanh khoản dù giảm cả tỷ đồng

Có thời điểm những căn biệt thự, liền kề, thậm chí những căn nhà dù bỏ không nhiều năm cũng tăng gấp 2 lần, tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn những căn nhà này lại rơi vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN