Vàng có phá vỡ quy luật?

Theo các chuyên gia kinh doanh vàng, một trong những yếu tố tác động làm giá vàng thường tăng vào cuối năm là do cầu vàng giao ngay thường tăng vào quý IV của năm khi các nhà sản xuất nữ trang mua dự trữ chuẩn bị cho mùa cưới và các kỳ nghỉ lễ, đặc biệt tại Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng nữ trang lớn nhất thế giới.

Với đà tăng giá mạnh của vàng trong 2 năm trước, năm 2012 nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng, giá vàng có thể lập thêm kỷ lục mới. Nhưng đến nay, đã già nửa chặng đường của năm con Rồng mà giá vàng vẫn chưa “thăng hoa”, trái lại, còn có dấu hiệu đi xuống, từ mức trên 43 triệu đồng/lượng hồi đầu năm xuống còn xung quanh mức 41 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, vẫn chưa hết hy vọng nếu xét trên quy luật thời điểm tăng giá mấy năm gần đây khi giá vàng thế giới thường tăng tốc mạnh vào nửa cuối năm.

Có thể đưa ra con số so sánh, trong nửa đầu năm 2010, giá vàng chỉ tăng hơn 2 triệu đồng/lượng, từ mức 26,67 triệu đồng/lượng lên mức 28,71 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng chỉ tăng 158USD/oz. Song, 6 tháng cuối của năm 2010, giá vàng đã tăng mạnh thêm 7,3 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng trong nước lên mức 36,00 triệu đồng/lượng vào cuối năm, còn giá thế giới đạt 1.409 USD/oz. Tương tự, năm 2011, giá vàng đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm. Nếu như đến cuối tháng 6/2011, giá vàng chỉ lên mức 37,86 triệu đồng/lượng, tăng 2,1 triệu đồng/lượng, thì nửa cuối năm, giá vàng trong nước tăng gần gấp 4 lần nửa đầu năm, thêm tới hơn 8 triệu đồng/lượng và đạt kỷ lục 46 triệu đồng/lượng. Vàng thế giới trong nửa cuối năm 2011 cũng tăng 215 USD/oz lên mức 1.729 USD/oz, trong khi nửa đầu năm chỉ tăng 141 USD/oz.

Vàng có phá vỡ quy luật? - 1

Năm 2012, vàng được dự báo là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại. (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia kinh doanh vàng, một trong những yếu tố tác động làm giá vàng thường tăng vào cuối năm là do cầu vàng giao ngay thường tăng vào quý IV của năm khi các nhà sản xuất nữ trang mua dự trữ chuẩn bị cho mùa cưới và các kỳ nghỉ lễ, đặc biệt tại Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng nữ trang lớn nhất thế giới. Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng thế giới, vàng để làm nữ trang chiếm tới 73% nhu cầu về vàng giao ngay.

Ông Christoph Eibl, người sáng lập kiêm CEO của Quỹ đầu cơ hàng hóa cơ bản Tiberius (Thụy Sỹ), nhận định: sẽ thật bất ngờ nếu vàng lại không giữ được các mức giá cao trong một môi trường đầy bất ổn như hiện nay. Và ông này cũng đưa ra dự báo, trong năm 2012, vàng sẽ là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại. Có thể nhận định này đúng, nếu như giá vàng trong những tháng cuối năm không tăng, thậm chí là giảm mạnh. Bởi trên thực tế, đôi khi quy luật của thị trường có thể thay đổi hoặc bị phá vỡ. Chẳng hạn năm 2009, giá vàng thường tăng hoặc giảm “ăn theo” giá dầu thô. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, các yếu tố tác động tới giá vàng còn do diễn biến chính trị, kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, các bối cảnh lạm phát toàn cầu cao, nhiều người dân trên thế giới đẩy mạnh mua vàng, ngoài ra Ngân hàng Trung ương của nhiều nước cũng mua vàng dự trữ làm cầu gia tăng.

Ông Trần Quốc Quýnh – Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, một số tổ chức quốc tế và chuyên gia vẫn đưa ra dự báo giá kết thúc năm 2012 vàng có thể không đạt mức 2.000 USD/oz nhưng vẫn đạt 1.800 – 1.900 USD/oz. Đặc biệt, giới phân tích cũng đưa ra nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, chỉ số việc làm của Mỹ chưa hồi phục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đưa ra gói kích kinh tế lần 3 (EQ3), và nếu gói này được thông qua vào tháng 9/2012 thì sẽ tạo cơ hội cho giá vàng tăng mạnh. Hiện nay, đã có những tiết lộ khả năng 50 – 70% gói này được “duyệt” nên cũng chưa nóng vội chốt giá vàng vào thời điểm này. Và như vậy, giá vàng trong nước từ nay đến cuối năm cũng chưa hết hy vọng “thăng hoa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chí Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN