Từ kì tích của U23 Việt Nam, nhìn lại tâm huyết đầu tư cho bóng đá của bầu Đức

Mặc dù gặp khó khăn triền miên trong kinh doanh, bầu Đức vẫn nhất quyết không từ bỏ đầu tư vào đam mê bóng đá của mình.

Khi U23 Việt Nam làm nên chiến tích lịch sử cho bóng đá nước nhà với việc lọt vào bán kết Asiad 2018 bằng bàn thắng của cầu thủ Nguyễn Văn Toàn, người ta lại một lần nữa nhớ tới bầu Đức - người “cha đỡ đầu” cho những trụ cột của đội tuyển U23 hiện tại như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường…

Mặc dù đang phải vật lột với những khó khăn trong kinh doanh, nhưng với thành tích này, bầu Đức có lẽ vẫn sẽ rất vui mừng và tự hào với lứa học viên tài năng của mình.

Nhìn lại hành trình đầu tư bóng đá của bầu Đức

Khi còn đang vững mạnh về tài chính cùng với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức nổi tiếng là một doanh nhân có đam mê và đầy nhiệt huyết với bóng đá nước nhà.

Năm 2001, Bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, bầu Đức đã chi mạnh tay để có được dàn cầu thủ chất lượng. Đội bóng của ông đã liên tục lập ra những chiến công tại V-League: vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003.

Năm 2007, khác với những ông bầu khác trong bóng đá, bầu Đức đã bỏ công sang tận Arsenal để học hỏi một hướng đi khác: phát triển bóng đá bền vững.

Từ kì tích của U23 Việt Nam, nhìn lại tâm huyết đầu tư cho bóng đá của bầu Đức - 1

Một lứa học viên của HAGL – Arsenal JMG

Ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất 5 ha cao su. Một lò đào tạo bóng đá trẻ theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra đời. Với phương pháp tuyển học viên đặc biệt, chuyên nghiệp và khắt khe, Học viện của bầu Đức đã tìm ra và phát triển những cá nhân mà hiện đang là trụ cột không thể thiếu của U23 Việt Nam như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường..

Tại thời điểm đó, những học viên được tuyển mới chỉ đang ở độ tuổi 10-12, vì vậy bầu Đức đã phải mất cả gần chục năm để kiên trì xây dựng và đầu tư vào học viện. Mỗi năm Bầu Đức phải bỏ ra các khoản chi cho việc vận hành trung tâm đào tạo, các chuyến tập huấn dài ngày cho học viên ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý, chưa kể chi phí hàng triệu USD để thương hiệu Arsenal đồng hành cùng học viện.

Từ kì tích của U23 Việt Nam, nhìn lại tâm huyết đầu tư cho bóng đá của bầu Đức - 2

Bầu Đức được coi là “cha đỡ đầu” của nhiều cầu thủ tài năng tại Việt Nam

Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà Bầu Đức bỏ ra cho Học viện HAGL - Arsenal JMG có thể lên tới hàng trăm đến cả ngàn tỷ đồng cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí khi đó, một bộ phận dư luận còn cho rằng bầu Đức chơi ngông, làm chuyện vô bổ.

Trong thời gian này, hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã liên tục gặp sóng gió. Từ thời kì thịnh vượng với mảng bất động sản giai đoạn 2009 - 2012, bầu Đức và công ty bắt đầu găp khó khăn triền miên với mía đường, cao su và nuôi bò vào 2013 – 2016. Với một doanh nghiệp đang ở trong tình cảnh thua lỗ và nợ nần cả chục nghìn tỷ đồng, khoản tiền mà bầu Đức chi cho học viên thật sự không hề nhỏ.

Khó khăn nhưng bầu Đức vẫn không ngừng chi tiền cho đam mê bóng đá

Trên thực tế, HAGL - Arsenal JMG được thành lập với số vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Hoạt động của Học viện bóng đá xuất hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đến hết năm 2010, sau đó chỉ còn xuất hiện trên bảng cân đối kế toán.

Năm 2009 và 2010, doanh thu mỗi năm của Học viện bóng đá hợp nhất vào kết quả của Hoàng Anh Gia Lai đạt khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận thu về đạt lần lượt 8,7 tỷ và 4,6 tỷ đồng. Từ năm 2011, số liệu về Học viện bóng đá HAGL – JMG chỉ còn xuất hiện ở 2 khoản mục chính là chi phí xây dựng dở dang và chi phí trả trước dài hạn

Năm 2016, mặc dù lỗ cả ngàn tỷ đồng, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn ghi nhận chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Chi phí đào tạo học viện trong chi phí trả trước dài hạn lên tới 58 tỷ đồng.

Trong lúc khó khăn, tưởng chừng bầu Đức sẽ mất đi học viện khi ông từng nhận được lời đề nghị từ một đại gia muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm này, công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arenal JMG đã được mang ra thế chấp cho khoản vay trị giá 603 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,05-10,5%. Tuy nhiên, Bầu Đức đã nhất quyết không bán đứa con tinh thần của mình.

Từ kì tích của U23 Việt Nam, nhìn lại tâm huyết đầu tư cho bóng đá của bầu Đức - 3

Kinh doanh khó khăn, nợ nần ngàn tỷ nhưng bầu Đức quyết không từ bỏ đam mê bóng đá

Năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt, bầu Đức lại tăng chi phí cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên hơn 53,4 tỷ đồng.

Mới đây nhất, theo báo cáo tài chính Qúy II kết thúc vào 30/6/2018, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dành cho Học viện này vẫn tiếp tục tăng thêm gần 7 tỷ đồng, ghi nhận ở con số 60,1 tỷ đồng.

Sốc: VTC chào giá gần nửa tỷ cho 30 giây quảng cáo trận Việt Nam - Hàn Quốc

Như vậy, bình quân mỗi phút quảng cáo ở trận bán kết Việt Nam gặp Hàn Quốc có giá lên tới gần 1 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
U23 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN