“Truy” việc dùng nghìn tỷ bảo vệ môi trường nhưng… sông Tô Lịch vẫn bẩn
Còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu lên vấn đề, nhu cầu ngân sách bảo vệ môi trường tại các bộ ngành cơ quan Trung ương lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng tình hình ô nhiễm vẫn diễn ra, ảnh hưởng sản xuất, sức khỏe.
Còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người dân.
Nói điều trên tại phiên họp toàn thể ở hội trường ngày 29/10, bà Khánh cho hay, nhu cầu ngân sách bảo vệ môi trường tại các bộ ngành cơ quan trung ương từ 2018 đã là 2.100 tỷ đồng. Tới năm 2019, con số này dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Số tiền trên chủ yếu là phục vụ tuyên truyền văn bản pháp luật.
Tuy nhiên, theo bà, chi phí này phân bổ tới 33 bộ, ngành cơ quan trung ương theo kiểu, có nơi chỉ 1 tỷ đồng, có nơi lại vài chục tỷ. Đáng nói, việc xử lý bảo vệ môi trường còn kém, đặc biệt trong việc xử lý nước thải.
Bà cho rằng, còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Không chỉ riêng Hà Nội mà cả 5 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị ảnh hưởng.
“Dù đã chất vấn nhiều nhưng khi tiếp xúc, cử tri vẫn nhận được phản ánh chưa thấy có tác dụng gì, vẫn ô nhiễm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người dân” bà nêu lên.
Từ đó, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành rà soát lại cơ cấu mục chi với bảo vệ môi trường. Bà kiến nghị cần hỗ trợ các đoàn thể để các đơn vị này làm nhiệm vụ tuyên truyền tới người dân .
Không chỉ nói về chi cho môi trường, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) có đề nghị rộng hơn. Bà đề nghị, trong phân bổ ngân sách Nhà nước 2019, Quốc hội và Chính phủ cần bố trí đủ ngân sách cho chương trình giảm nghèo bền vững, chi bảo vệ môi trường, dự phòng ngân sách để hoàn thành các dự án kè biên giới, đường tuần tra.
Theo bà, bờ sông khu vực biên giới thường xuyên xảy ra xói lở nhưng mới chỉ kè được khoảng 10% kế hoạch.