'Phí rút tiền ngân hàng đáng lẽ phải tăng lên 10.000 đồng'

"Việc khách hàng mất tiền trong thẻ ATM, trong tài khoản ngân hàng, thì khách hàng và ngân hàng đều là… bị hại" - ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam.

Bên lề Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 8-5, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam trả lời báo giới về việc mất tiền trong tài khoản và các chi phí dịch vụ ngân hàng đang có xu hướng tăng lên.

Theo ông Tuấn, việc khách hàng mất tiền trong thẻ ATM, trong tài khoản ngân hàng, thì khách hàng và ngân hàng đều là… bị hại. Qua các vụ mất tiền trong tài khoản, các ngân hàng đều chia sẻ, rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp để đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.

“Trong thời gian vừa qua, những vụ mất tiền chủ yếu do lỗi giao dịch điện tử, đặc biệt là lỗi thẻ ATM”, ông Tuấn lý giải và khẳng định khi rủi ro xảy ra thì ngân hàng đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng.

'Phí rút tiền ngân hàng đáng lẽ phải tăng lên 10.000 đồng' - 1

Theo Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tới đây phí rút tiền sẽ tăng, nhưng chưa đến mức kịch sàn.

Về việc các ngân hàng thương mại gần đây có xu hướng tăng phí các giao dịch qua thẻ, ông Tuấn nói, với các thẻ ATM thì Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã quy định chỉ có hai loại phí. Trong đó có phí rút tiền mặt để duy trì hoạt động hệ thống ATM.

“Nếu tính tất cả các chi phí thì mỗi lần giao dịch phải từ 7.000 đến 10.000 đồng. Nhưng trong thời gian vừa qua các ngân hàng chỉ tính phí giao dịch 1.000 đồng nội mạng, còn ngoài mạng là 3.000”, ông Tuấn nói.

Viện dẫn Thông tư 35/2012 của NHNN, ông Tuấn cho hay: Thông tư này đã quy định mức trần phí rút tiền nội mạng là 3.000 đồng, nhưng các ngân hàng mới thu 1.000, mới bằng 1/3 mức trần.

“Hội thẻ của chúng tôi, với tư cách là một hội ngành nghề, phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, thì đương nhiên chúng tôi cũng quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, đề xuất xây dựng lộ trình. Chắc chắn trong thời gian tới phí ngân hàng sẽ tăng lên nhưng tăng ở mức độ chứ không phải tăng ngay một lúc 3.000 đồng”, ông Tuấn thông tin.

Vẫn theo ông Tuấn, việc tăng phí rút tiền sẽ do các ngân hàng tự quyết định tùy theo năng lực, điều kiện của mình.

“Tuy vậy khi tăng phí thì phải thông báo cho NHNN và đăng trên các trang thông tin trước một thời hạn nào đó, chẳng hạn 15 ngày”, ông Tuấn nói.

Hàng loạt nhà băng tăng phí

Ngày 7-5, một số khách hàng của Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết vừa nhận được thông báo trừ phí giao dịch qua Internet Banking 11.000 đồng/tháng.

Trước đó, Eximbank thu phí dịch vụ này theo năm, nay điều chỉnh thu theo tháng như các NH khác. Như vậy mỗi tháng, chủ thẻ ATM của Eximbank sẽ phải đóng phí SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking tổng cộng 33.000 đồng nếu có sử dụng dịch vụ. Eximbank còn áp dụng phí SMS Banking 3.300 đồng/lần cho khách hàng gửi sổ tiết kiệm có phát sinh giao dịch trong kỳ thu phí.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa thông báo sẽ điều chỉnh nhiều mức phí đối với chủ thẻ ATM, như phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần (gồm cả thuế GTGT), tăng phí chuyển khoản liên NH tại ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần từ ngày 12-5 tới.

Trước đó, một số NH thương mại cũng điều chỉnh theo hướng tăng đối với nhiều khoản phí khi chủ thẻ giao dịch trên ATM hoặc các ứng dụng NH điện tử. Trong vòng 2 tháng, từ tháng 3-2018, Vietcombank cũng 2 lần điều chỉnh các loại phí như SMS Banking lên 11.000 đồng/tháng, phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng là 5.500 đồng/tháng.

Theo các NH, việc tăng phí nhằm bù đắp chi phí đầu tư vào hệ thống ATM, nâng cấp các ứng dụng dịch vụ NH điện tử để gia tăng bảo mật. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ứng cho rằng mức phí ngày càng tăng cao. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN