Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá?

Không thường xuyên xuất hiện truyền thông với vai trò là ông bầu bóng đá như Bầu Đức, Bầu Thắng, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng được trang Goal thống kê là ông bầu giàu châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF nhằm phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.

“Bầu” Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sinh năm 1962, nổi tiếng là người đam mê bóng đá, và được giới truyền thông thể thao gọi là "bầu" Đức. Ông là một trong số ít ông bầu còn lại từ thuở bóng đá Việt Nam chuyển mình “lên chuyên” cách đây gần 20 năm.

Theo đó, từ năm 2001, ông Đức bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá khi ông bầu này tiếp quản đội bóng Gia Lai – Kon Tum và đổi tên thành CLB HAGL.

Năm 2002, ông đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình. Ông ký hợp đồng “khủng” với danh thủ người Thái này trước sự bất ngờ của người hâm mộ Đông Nam Á.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá? - 1

"Bầu" Đức và HLV Park Hang-seo

Nhờ đó, CLB HAGL đã trở thành đội bóng chuyên nghiệp với 2 lần vô địch giải V-League và là một trong những đội dẫn đầu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 

Năm 2007, ông thành lập học viện bóng đá mang tên Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của học viện cầu thủ trẻ Arsenal với số vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Đây chính là nơi đã “ươm mầm” tài năng các cầu thủ trẻ như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh…

Được biết, trong danh sách cầu thủ tham gia giải AFF Cup 2018 vừa qua có tới 4 cái tên đến từ CLB Bóng đá HAGL của bầu Đức: Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn và Hồng Duy.

Năm 2011, ông cùng với các doanh nhân làm bóng đá khác là Võ Quốc Thắng, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã vạch ý tưởng và thành lập công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Cũng trong năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á

Ông Đoàn Nguyên Đức cũng chính là người 3 lần sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo về Việt Nam. Đến tháng 10.2017, HLV Park Hang-seo chính thức nhận lời tiếp quản vị trị HLV trưởng đội tuyển Quốc gia và U23 Việt Nam với một bản hợp đồng có thời hạn 2 năm.

Theo hợp đồng ký kết với VFF, HLV Park sẽ nhận mức lương khoảng 20.000$/tháng kèm theo đó là các chi phí phát sinh (ăn ở, đi lại…). Bầu Đức cũng chính là người trả tiền lương cho HLV Park mặc dù tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Cũng trong khoảng thời gian 11 năm kể từ khi bén duyên với bóng đá, định hướng kinh doanh của bầu Đức đã liên tục thay đổi, Công ty CP HAGL từ đầu tư trọng tâm vào bất động sản giai đoạn 2009 - 2012, sang mía đường giai đoạn 2013 - 2014, sau đó đến đàn bò vào 2015 - 2016 và mới nhất là mảng kinh doanh cây ăn trái. Còn bầu Đức từ vị trí người giàu nhất TTCK Việt Nam, tới nay đã không còn xuất hiện trong top10 do tài sản chứng khoán của ông đã bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng trong những năm qua.

Sau vị trí Á quân tại giải U23 châu Á 2018, vị trí thứ 4 tại ASIAD 2018, đội tuyển Việt Nam cũng đã chính thức dành cúp vô địch AFF Cup 2018. Và đương nhiên trong đó có sự đóng góp “âm thầm” của bầu Đức. Nhiều người cho rằng, nếu không có "bầu" Đức sẽ không có ông Park Hang-seo, không có HLV Park Hang-seo bóng đá Việt Nam có thể đã không có một năm 2018 thành công.

Bầu Hiển, công dân Việt Nam ưu tú

Vào làng bóng muộn hơn so với “bầu” Đức, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T từng chia sẻ: “Giấc mơ của tôi là xây dựng một CLB có bản sắc, truyền thống và có thể dùng bóng đá nuôi bóng đá chứ không phụ thuộc vào túi tiền của tôi”.

Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội và mời cựu danh thủ Thể Công Triệu Quang Hà về làm HLV

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá? - 2

Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T

Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009 trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Năm 2011, Hà Nội T&T đoạt chức vô địch V-League đầu tiên dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng.

Suốt quá trình trưởng thành, ông Hiển gắn bó với CLB Hà Nội T&T với hình ảnh như một ông bầu chịu chi, có thể “móc túi tiền” thưởng cho các cầu thủ ngay trên sân cỏ sau một trận đấu.

Ngoài 4 cái tên của đội tuyển HAGL còn có 7 cầu thủ của Hà Nội T&T góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia tham dự AFF Cup. Bao gồm: Văn Quyết, Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Văn Hậu, Đình Trọng và Hùng Dũng.

Năm 2018, bầu Hiển được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.

Ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn T&T, bầu Hiển hiện còn là chủ tịch HĐQT SHB; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải; Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội.

Với T&T group, sau 25 năm thành lập, tổng tài sản của Tập đoàn T&T Group đạt hơn 35.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong khi đó SHB của ông bầu này tính đến hết quý III.2018 cũng có tổng tài sản xấp xỉ 299.700 tỷ đồng, tăng 4,79% so với đầu năm.

Chuyện tình bầu Thắng và bóng đá Long An

Mối lương duyên với bóng đá của Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group được bắt đầu từ năm 1998. Đây cũng là thời điểm mà đội tuyển Việt Nam bước vào kỳ Tiger Cup (bây giờ là AFF Cup) lịch sử

Đến năm 2000, bầu Thắng đầu tư vào bóng đá Long An, đội bóng mang mô hình doanh nghiệp với tên Gạch Đồng Tâm Long An đã nhanh chóng tạo được tiếng vang. Và điểm sáng lớn nhất chính là việc bầu Thắng đã đưa HLV Calisto về dẫn dắt đội bóng, mở ra kỷ nguyên lịch sử cho bóng đá Long An.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá? - 3

Ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group

Đỉnh cao của bóng đá Long An chính là hai chức vô địch V.League liên tiếp vào các năm 2005 và 2006. Một giai đoạn được xem là hoàng kim của bóng đá Long An. Bầu Thắng đã tạo ra một thế lực lớn cho bóng đá Việt Nam, đối chọi với phần còn lại là Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

Sau giai đoạn đó, bóng đá Long An rơi vào giai đoạn thoái trào khi hàng loạt các công thần đã tháo chạy. Bóng đá Long An chấm dứt cả thập kỷ là một “đế chế” ở V.League, bầu Thắng chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, dứt mối lương duyên với bóng đá Long An. Tuy nhiên, đến nay bầu Thắng cũng đã chính thức rút khỏi VPF

Cũng trong giai đoạn này, sự nghiệp của bầu Thắng cũng có sự thay đổi lớn khi ông rút khỏi HĐQT Kienlongbank để đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group vào tháng 4 vừa qua.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, Đồng Tâm Group có vốn chủ sở hữu 1.250 tỷ, tổng tài sản hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp xấp xỉ 516 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC Group, sở hữu CLB bóng đá FLC Thanh Hóa

Năm 2010, bóng đá Thanh Hóa có bước phát triển lớn khi công ty cổ phần Bóng đá Thanh Hóa ra đời với đội bóng mang tên CLB chuyên nghiệp Lam Sơn Thanh Hóa. 

Tháng 6.2015, Tập đoàn FLC đã chính thức tiếp nhận Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa từ Công ty Cổ phần Bóng đá Thanh Hóa. Theo đó, toàn bộ nhân sự gồm cán bộ, công nhân viên, người lao động, huấn luyện viên, cầu thủ đội 1, các đội bóng trẻ trực thuộc Câu lạc bộ, ban huấn luyện các đội bóng cũng như toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất thuộc quyền quản lý của câu lạc bộ như Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, sân vận động... đã được bàn giao nguyên trạng về Tập đoàn FLC.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá? - 4

Ông Trịnh Văn Quyết

Ngay sau đó, tập đoàn FLC làm lễ ra mắt, chính thức sử dụng tên gọi mới, CLB FLC Thanh Hóa. Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành là ông Doãn Văn Phương, cánh tay nối dài của ông chủ tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Trong đội hình đội tuyển Việt Nam tham gia giải đấu lần này sự góp mặt của 3 cầu thủ đến từ CLB FLC Thanh Hóa: thủ môn Bùi Tiến Dũng, Trọng Hoàng và Xuân Hưng.

Tuy nhiên, năm 2016, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã thông qua quyết định thoái vốn tại Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa.

Cách đây 1 tháng, chủ tịch tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết đã xác nhận việc ngừng việc đầu tư cho đội bóng đá xứ Thanh và sẽ sớm bàn giao lại đội bóng về cho địa phương quản lý. Trước đó, FLC đã 3 lần gửi công văn đề nghị dừng tài trợ cho đội bóng xứ Thanh.

Bầu Quyết đưa ra 2 nguyên nhân dẫn đến quyết định chia tay bóng đá Thanh Hóa. Lý do đầu tiên là việc Tập đoàn FLC không được tạo điều kiện và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư vào CLB FLC Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng những đóng góp của FLC cho bóng đá không được người dân địa phương ghi nhận. Điều này làm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của FLC.

9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của FLC Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết chưa bằng 50% so với cùng kỳ và chỉ bằng ¼ mục tiêu kế hoạch năm. Trong bối cảnh ấy, giá cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng liên tục mò đáy. Đà giảm của ROS khiến ông Trịnh Văn Quyết từ người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản trên 60.000 tỷ đồng tài sản chứng khoán, nay đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong danh sách này với khối tài sản chưa tới 15.000 tỷ đồng sở hữu.

Mới đây, tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã chính thức ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways. Theo dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ được khởi hành vào 29.12 tới đây

Doanh nhân giàu nhất châu Á Phạm Nhật Vượng

Theo thống kê của trang Goal về những ông chủ người châu Á giàu có nhất đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá, có một đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách.

Không phải là những cái tên thường xuất hiện trên mặt báo như ông Đoàn Nguyên Đức của HAGL hay ông Đỗ Quang Hiển của đội bóng ĐKVĐ V-League 2018, CLB Hà Nội mà lần này là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.

Trong bản danh sách này còn rất nhiều các tỷ phú đang sở hữu các CLB danh tiếng ở châu Âu như Sheikh Mansour (Man City), Zhang Jindong (Inter Milan), Vichai (Leicester City), Farhad Moshiri (Everton) hay Vincent Tan (Cardiff City).

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá? - 5

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

Tuy có sự khác biệt so với những ông chủ đội bóng khác, tỷ phú Phạm Nhật Vượng không đầu tư vào một CLB cụ thể, mà lại quyết định dồn lực đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.

Ngoài ra, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính là người đứng sau chiến công lịch sử của U19 Việt Nam thông qua cái tên PVF. PVF là quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận. Quỹ này được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, gồm Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%), công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).

Giới chuyên gia nhận định, việc đầu tư phát triển bóng đá trẻ là một bước đi khôn ngoan của tỷ phú gốc Hà Tĩnh. Mặc dù mới tham gia hoạt động đầu tư phát triển bóng đá chưa lâu nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã lọt vào top những doanh nhân giàu nhất châu Á, để sánh bước cùng với Sheikh Mansour, ông chủ của Man City.

Không chỉ vậy, chiến dịch định vị thương hiệu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng còn được thể hiện rầm rộ trong nhiều tháng qua, với VinFast tại Paris Motor Show 2018 hồi tháng 10, xe máy điện Klara và mới đây nhất Vsmart của vị tỷ phú này cũng đã ra mắt 4 mẫu điện thoại thông minh với giá 2,5 triệu đồng -  7 triệu đồng.

Hiện ông Phạm Nhật Vượng vẫn đứng đầu danh sách tỷ phú USD của Việt Nam do Forbes công bố với tổng tài sản 190.000 tỷ đồng, tương đương trên 8,1 tỷ USD nếu tính theo giá trị cổ phiếu VIC ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN