Lo lớp trung lưu làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo

Sự kiện: Kinh Doanh

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở nhiều quốc gia, tỷ lệ người dân thuộc tầng lớp trung lưu có xuất phát điểm làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, công nghệ, thương mại cao hơn ở Việt Nam. Mức thu nhập cũng đồng đều hơn. Còn tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo nhiều lo hơn là mừng.

Ở nhiều quốc gia phát triển, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ trọng rất lớn, vào khoảng 50%-70% dân số. Đây cũng là lực lượng chủ đạo góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Còn với Việt Nam, số người gia nhập tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cần chú ý là ngay trong tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng có sự phân hóa không đồng đều. Số người có mức thu nhập từ 3.000 USD/tháng trở lên thực tế còn rất nhỏ trong khi chủ yếu vẫn người có thu nhập ở mức 1.500 – 2.000 USD/tháng. Vấn đề cần chú ý hơn đó là làm sao để tỷ  lệ thu nhập trong chính tầng lớp trung lưu này đồng đều hơn.

Lo lớp trung lưu làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo - 1

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Về tỷ lệ nghèo tại Việt Nam được WB công bố, cũng cần phải xem lại. Tỷ lệ này có vẻ vẫn còn thấp vì ngay ở Mỹ, tỷ lệ người nghèo cũng phải chiếm đến hơn 10%. Điểm khác biệt lớn là tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam mức thu nhập rất thấp, đặc biệt là người nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Số người nghèo ở trong diện tích nhà nhỏ hẹp, từ 2-4m2/người; thiếu vệ sinh, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục. Điều này cho thấy, khoảng cách chênh lệch về giàu nghèo của Việt Nam ngày càng giãn ra. Đây là hiện tượng bình thường trong một xã hội đang phát triển. Vấn đề đặt ra với người đứng đầu đó là làm sao nâng được mức sống của những người nghèo khổ, những người thu nhập không đạt mức thu nhập trung bình.

Lo lớp trung lưu làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo - 2

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Cùng với việc số người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh ở Việt Nam, “chất lượng” về nguồn thu nhập của những người này cũng đang có điểm rất khác so với các nước. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Ở bên Mỹ, tầng lớp trung lưu có mức thu nhập khoảng 50.000 USD/năm. Tầng lớp này chủ yếu làm việc tại các công ty lớn. Ngay cả ở khu vực nông thôn, tầng lớp trung lưu cũng xuất phát từ những cơ sở làm nông nghiệp với thu nhập rất ổn định. Thành phần giàu có nhờ bất động sản cũng có nhưng không phải thành phần chủ đạo trong nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, ngay cả tầng lớp tỷ phú đô la, phần lớn xuất thân từ làm bất động sản, làm giàu từ những mối quan hệ thân hữu trong chính quyền và trong thương trường.

Việc nhiều người làm giàu chủ yếu nhờ kinh doanh chứng khoán, bất động sản  cho thấy sự mất cân đối trong nền kinh tế nếu nhìn dưới góc độ kinh tế sản xuất, thương mại. Đây là điều đáng lo khi tầng lớp giàu có mới ở Việt Nam lại không gắn kết nhiều với sản xuất và về lâu dài sẽ có những bất ổn trong nền kinh tế.

Điểm cần lưu ý đó là phần lớn các tầng lớp trung lưu, giàu có ở các nước họ phân bố đồng đều hơn, thể hiện ở trong mặt bằng chung. Còn ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu xuất hiện chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Còn ở những vùng nông thôn, mức thu nhập rất thấp, chênh lệch giữa đô thị và vùng nông thôn rất lớn. Giờ đi ra khỏi TPHCM khoảng 100km là có thể gặp những vùng người dân sống rất thiếu thốn về nước sạch, môi trường ô nhiễm, chất lượng cuộc sống không cao.

Nếu so với các nước trong khu vực, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chỉ tương đương mức thu nhập ở Hàn Quốc cách đây gần 20 năm. Đây là khoảng cách rất lớn. Vậy theo ông, cần chính sách hay cơ chế gì để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn, tạo ra nhiều trung lưu hơn tại Việt Nam trong thời gian tới?

Việt Nam trước tiên phải giải bài toán cân bằng hơn giữa người giàu và người nghèo. Cần xác định tạo cơ hội cho mọi người cùng làm giàu là điều rất tốt. Còn trước mắt cần tập trung giảm mạnh hơn nữa số người nghèo ở Việt Nam, nâng dần tỷ lệ người nghèo trở thành tầng lớp trung lưu. Để làm được việc này, đầu tiên, cần phải giải bài toán về cải cách toàn diện về giáo dục, đào tạo dạy nghề.

Giáo dục là vấn đề rất quan trọng với bất cứ quốc gia nào. Ở Việt Nam, vấn đề giáo dục còn nhiều thiếu sót, vẫn nặng tính giáo điều. Nhiều môn học không giúp ích gì cho phát triển kinh tế xã hội; không tạo ra những sáng kiến thích hợp với môi trường, xã hội mới.

Tham nhũng cũng là vấn đề cần nhìn nhận như yếu tố tạo ra khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo ở Việt Nam. Những người giàu có, khi tận dụng các mối quan hệ trong xã hội sẽ ngày càng trở lên giàu có. Vì vậy, tham nhũng phải là vấn đề được diệt trừ một cách quyết liệt. Chỉ khi đó, vấn đề chênh lệch giàu nghèo mới có thể khép dần lại.

Những khoản đầu tư của Chính phủ phải tập trung mạnh hơn nữa vào hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, những nền tảng để tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng. Cần làm sao để không  xảy ra những dự án đầu tư lãng phí, không hiệu quả của Chính phủ, các bộ ngành như thời gian qua. Vụ việc Vinashin là bài học đáng tiếc.

Điểm cần lưu ý nữa là vấn đề hội nhập cần nhìn nhận lại một cách rõ ràng hơn. Theo đó, phải nhanh chóng đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới dù hiện vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa kinh tế Việt Nam và các nước. Ngay như ngoại ngữ, đây là điểm yếu tồn tại rất nhiều năm nay của người Việt Nam. Trong khi các nước như Malaysia, Singapore… tiếng Anh được người dân sử dụng thành thạo. Chừng nào Việt Nam còn lẽo đẽo theo sau các nước, từ công nghệ thông tin cho đến ngoại ngữ, cách ứng xử trong kinh doanh, tham nhũng… thì chừng đó việc tạo ra một xã hội phồn thịnh, bền vững còn khá xa.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thục Quyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN