Hà Nội muốn dùng tiền cổ phần hóa để làm đường sắt đô thị

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong 21 nội dung, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiêp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Kiến nghị 21 nội dung

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 29/9, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương 21 nội dung.

Theo đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các Dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố”. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố.

Đối với cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.

Về công tác thực hiện cổ phần hóa (CPH) tại doanh nghiệp nhà nước do thành phố Hà Nội quản lý, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, CPH và cho phép thành phố Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội muốn dùng tiền cổ phần hóa để làm đường sắt đô thị - 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc

Hà Nội đề nghị được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố: Được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Về đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa.

Đề nghị được quyết Đề án vị trí làm việc sau sát nhập

Về phát triển du lịch, Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.

Đối với biên chế, vị trí việc làm, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.

Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả; Phân cấp quản lý y tế cơ sở: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp huyện quản lý.

Bên cạnh đấy, Hà Nội đề nghị cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được lựa chọn các đơn vị thực hiện theo phương thức chỉ định thầu đối với những công trình cấp bách cần phải chỉ định thầu hoặc những dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch ngành có tính chất đặc thù.

Đề nghị Trung ương thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Thủ đô, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện các dự án đường sắt đô thị và đường giao thông.

Đối với Luật Thủ đô, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới; phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án.

Sửa đổi Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hài Đăng (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN