Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đông nhưng chưa mạnh

Sự kiện: Kinh Doanh

Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động nhưng không đủ làm nên một lực lượng mạnh vì thiếu liên kết, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu phát triển hơn.

Trong tổng số gần 600.000 doanh nghiệp (DN), DN tư nhân hiện chiếm áp đảo nhưng lại có quá ít những tên tuổi lớn, những thương hiệu có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

"Lọt lưới" chuỗi giá trị toàn cầu

Xét về quy mô lao động, báo cáo thường niên DN 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy năm 2007, số lao động bình quân trong một DN là 49 thì đến năm 2015, giảm còn 29 - tương ứng với quy mô DN nhỏ. Năm 2015, 72,82% DN có quy mô siêu nhỏ, 23,45% là nhỏ, chỉ 1,74% thuộc loại vừa và 1,99% có quy mô lớn. "Điều này phản ánh một thực tế là tỉ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và Việt Nam vẫn tiếp tục thiếu DN cỡ trung bình" - VCCI đánh giá.

Xét về quy mô vốn thì có cải thiện hơn. Vốn bình quân của DN tăng từ 32 tỉ đồng năm 2007 lên 53 tỉ đồng trong năm 2015, tương ứng với quy mô DN vừa.

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đông nhưng chưa mạnh - 1

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu là nhỏ Ảnh: Tấn Thạnh

Đặc biệt, cơ cấu ngành nghề của DN tư nhân chưa hợp lý. Hơn 80% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chỉ hơn 10% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% đầu tư vào nông nghiệp.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, đưa ra cảnh báo về xu hướng thoái lui khỏi các ngành công nghiệp chế tạo và các ngành cốt lõi của DN tư nhân trong khi tập trung vào chứng khoán, bất động sản. "Cấu trúc DN như vậy không thể làm tăng chất lượng của nền kinh tế" - ông Thiên nhận xét.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng do những đặc điểm nói trên, DN Việt Nam không thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng. "Chúng ta đang thiếu những DN cỡ vừa và lớn để tạo thành trung tâm của các chuỗi liên kết. DN lớn thì các nền kinh tế đều thiếu chứ không riêng Việt Nam nhưng DN cỡ vừa thì phải có. Hiện ở Việt Nam, DN ở các khu vực không gắn kết được với nhau trong khi thế giới lại tổ chức theo mạng, theo chuỗi. Chúng ta bị lọt lưới vì các chuỗi giá trị toàn cầu chỉ kết nối được với DN cỡ lớn và vừa, không thể kết nối với DN nhỏ và siêu nhỏ" - ông Lộc phân tích.

Thiếu liên kết

Viện trưởng Trần Đình Thiên khẳng định Việt Nam đã có tới hơn 500.000 DN tư nhân đang hoạt động nhưng không đủ làm nên một lực lượng mạnh vì thiếu tính liên kết, thậm chí nhiều DN cũng không có nhu cầu liên kết để lớn mạnh hơn hoặc muốn... nhỏ để được yên ổn.

Minh họa cho chuyện DN không chịu lớn, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn dẫn lại trường hợp một hộ chăn nuôi heo liên kết với DN có vốn đầu tư nước ngoài, đang có doanh thu 1 tỉ đồng/năm. Khi đối tác đề nghị chuyển đổi thành DN để dễ hạch toán, phát triển, hộ kinh doanh này từ chối, bằng lòng với lợi nhuận 500 triệu đồng/năm như hiện có vì lo ngại sẽ phải tốn thêm chi phí và chịu áp lực thanh tra, kiểm tra.

Cũng có một số DN tư nhân tưởng chừng sẽ liên kết, tích tụ đến quy mô lớn, trở thành thương hiệu tên tuổi thì lại không vượt được "vũ môn". Trong một hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tư nhân tổ chức gần đây, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, đã công bố nguy cơ đóng cửa một công ty do nhiều thương hiệu uy tín cùng sáng lập: Công ty CP Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA). 10 năm trước, 4 DN lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ là Satra, Hapro, Saigon Coop và Phú Thái cùng sáng lập VDA với mục đích tạo dựng trụ cột của DN Việt trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ khi Việt Nam gia nhập WTO. Về quy mô, doanh thu của 4 DN gây dựng VDA tại thời điểm đó đã lên tới hơn 4 tỉ USD nhưng cuối cùng không có đại siêu thị nào của DN này được thành lập. Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước đã rơi vào tay các đại gia ngoại sau nhiều cuộc thâu tóm.

Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng bây giờ đặt mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 thì cần phải nhấn mạnh đến chất lượng, quy mô. Nếu có 1 triệu DN mà không có những DN "ra tấm ra món" thì cũng không cải thiện được gì.

Số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể từ năm 2011 đến nay có xu hướng tăng. Giai đoạn 2011-2012, mỗi năm có hơn 54.000 DN giải thể, ngừng hoạt động; năm 2013 là 60.737 DN; năm 2014 lên 67.823 DN; đến năm 2015 vọt lên 80.858 DN. Năm 2016, số DN giải thể, ngừng hoạt động giảm xuống mức 73.145 DN nhưng vẫn là rất cao so với 110.100 DN được ra đời trong năm đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN