Chứng khoán bớt ‘hoảng loạn’ vì 'Syria vẫn bình yên'

Dù tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự “hoàn hồn” sau phiên “lao dốc” hôm qua, nhưng về cơ bản nhà đầu tư đã tạm nguôi cơn “bán trong hoang mang”. Thị trường phiên 12/4 đã phục hồi trở lại và lấy lại mốc 1.170 điểm, phần nhiều là do “tin đồn chỉ là tin đồn”.

Mã tăng giá thắng thế

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/4, chỉ số VN-Index đạt 1.173,02 điểm, tăng 5,91 điểm, tương đương 0,51% so với phiên “lao dốc” hôm qua. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,89 điểm (1,41%), đạt 135,63 điểm.

Trên sàn HOSE, số mã tăng điểm cũng chiếm ưu thế, với 157 mã tăng điểm, 131 mã giảm điểm và 67 mã đứng giá. Do vậy, về cơ bản, thị trường đã có phiên phục hồi ở mức khá, với tỷ lệ mã tăng/giảm là 1,2/1.

Tuy nhiên, nhìn trong bối cảnh toàn phiên, sức phục hồi của thị trường cũng gặp khá nhiều “chật vật”, điển hình như ngay từ đầu phiên, VN-Index giảm khá mạnh khi chịu áp lực cắt lỗ vẫn còn rất lớn. Mặc dù vậy, diễn biến do áp lực này không tồn tại quá lâu, thị trường đã hồi phục khá tốt.

Có phần nhỉnh hơn chỉ số chung của thị trường, VN30-Index phiên hôm nay có mức tăng cao hơn với 6,3 điểm (0,55%), đạt 1.143,5 điểm. Sự hồi phục của các mã bluechips lớn là nhân tố chính giúp VN-Index và VN30 tăng điểm. Thống kê cho thấy, trong số 30 bluechips thuộc VN30, có 18 mã tăng điểm, 10 mã giảm điểm và chỉ có 2 mã đứng giá. Mặc dù giao dịch khá lình xình trong phiên, nhưng nhiều bluechips đã bất ngờ tăng tích cực vào cuối phiên và hỗ trợ đắc lực cho chỉ số.

Những cổ phiếu dẫn dắt VN-Index vượt mốc 1170 điểm về cuối phiên hôm nay là MSN (4,08%), VNM (0,15%), GAS (3,16%), HPG (1,98%), PLX (1,27%), VIC (0,79%)…. Các mã cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có phiên phục hồi tích cực: VCB, BID, HDB, MBB vẫn giảm, CTG đứng giá, chỉ có VPB tăng 0,45%.

Chứng khoán bớt ‘hoảng loạn’ vì 'Syria vẫn bình yên' - 1

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán chủ yếu vẫn tập trung vào các mã bluechips, với các nhóm chính dẫn dắt như ngân hàng tài chính, bất động sản, dầu khí….

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Đình Tứ, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, trong phiên 12/4, tâm lý của nhà đầu tư đã trở lại ổn định khi các diễn biến căng thẳng chính trị thế giới đã không xảy ra như tin đồn. Trong phiên, tâm lý nghe ngóng của nhà đầu tư khiến cho thị trường giao dịch thận trọng, thậm chí lực bán khá mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy các cổ phiếu giảm mạnh trong phiên hôm trước và chỉ số dần phục hồi và tăng nhẹ vào cuối phiên.

Chưa xua tan được “thận trọng”

Dù “nút thắt” liên quan tới căng thẳng tại Syria, hay tin đồn đoán về siết margin không xảy ra, tuy nhiên, nhiều nhận định cho thấy, sự thận trọng trên thị trường vẫn còn và cần thêm thông tin, cũng như diễn biến thực tế mới có thể “xua tan” hoàn toàn. 

Chuyên gia của TVSI cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư hiện vẫn lo ngại sự bất ổn của tình hình chính trị quốc tế qua tình hình căng thẳng tại Syria đến thị trường tài chính. Phản ứng mạnh mẽ nhất là thị trường dầu mỏ và kim loại quý khi giá dầu và giá vàng đều tăng mạnh gần 10% trong 3 ngày vừa qua.

Quay lại với diễn biến thị trường ngày 12/4, thị trường rõ ràng vẫn còn khá nhiều sự thận trọng. Và biểu hiện rõ nét nhất chính là thanh khoản đã giảm đi đáng kể. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE và HNX chỉ khoảng hơn 6.869 tỷ đồng, giảm hơn 1 nửa so với phiên trước đó; đồng thời, đây cũng là mức thanh khoản khá thấp so với mặt bằng chung của cả quý I/2018.

Dòng tiền trên thị trường chủ yếu vẫn tập trung vào các mã bluechips, với các nhóm chính dẫn dắt như ngân hàng tài chính, bất động sản, dầu khí…. 

Chuyên gia của TVIS nhận định: “Diễn biến tình hình chính trị thế giới vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể, do đó tâm lý của các nhà đầu tư vẫn khá thận trọng, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên ngày 11/4 và trung bình 5 ngày”.

“Tâm lý thị trường ảnh hưởng còn do diễn biến thị trường giai đoạn hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng margin các công ty chứng khoán cung cấp. Mức điểm số vượt đỉnh lịch sử, nhiều cổ phiếu tăng quá đà cũng đã tạo tâm lý dè dặt của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư giá trị, quy mô lớn”, ông Tứ nói.

Hiện tại, thông tin về kết quả kinh doanh quý I vẫn là thông tin hỗ trợ chủ đạo. Các dự báo đều cho thấy xu hướng kết quả kinh doanh tích cực, nhưng hiện chưa có tác động rõ nét đối với thị trường.

Phiên ngày mai (13/4), thông tin từ chính trị thế giới sẽ còn chịu tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu và trong nước, nên điều còn lại phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư có vững vàng hay không. Tuy vậy, cơ hội thị trường có phiên tăng mạnh là khá khó xảy ra khi những rủi ro tiềm ẩn ngày càng tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Tín (Tiền phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN