100 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam sau 25 năm

Sau 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 2/2013, cả nước có 14.550 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện là 100,6 tỷ USD (chiếm 47,7% vốn đăng ký).

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam diễn ra sáng nay (27/3).

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư nước ngoài là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước trong nhiều năm. Nếu so sánh với mức trung bình của thế giới, đóng góp của khu vực FDI vào GDP của Việt Nam cao hơn 7,7 điểm % đã cho thấy ảnh hưởng của khu vực này đến nền kinh tế Việt Nam khá lớn.

Ngoài việc bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thì khu vực này còn góp phần tạp việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp.

100 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam sau 25 năm - 1

Sau 25 năm, Việt Nam thu hút được hơn 100 tỷ USD vốn FDI

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận việc thu hút FDI thời gian qua vẫn chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng: tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp; tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản; chất lượng nhiều dự án chưa cao…

“Lợi thế ban đầu chúng ta đã khai thác, lúc này cần có sự thay đổi và cạnh tranh quyết liệt hơn. Năm 2013 là năm bắt đầu khởi động tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ do đó vấn đề tạo ra môi trường đầu tư nước ngoài thuận lợi càng trở nên cấp thiết hơn”, ông Vinh nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, FDI góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kế hoạch thu hút FDI bắt đầu cách đây 25 năm nhưng thực tế mới mở rộng từ năm 1995 - sau khi Việt Nam không bị cấm vận kinh tế.

Qua hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước trong việc hội nhập.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần nỗ lực hơn trong việc hạn chế yếu kém để thu hút FDI chủ động hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần cân bằng tỷ trọng đầu tư FDI trong các lĩnh vực còn mất cân đối, giải ngân vốn còn chậm.

“ Nếu chúng ta tạo điều kiện để các nhà đầu tư giải ngân nhanh hơn, kết quả sẽ cao hơn. Do đó, cần thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ, tìm cách khắc phục tổng thể hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, về phía Chính phủ, trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế sẽ tếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế chính sách …. để thu hút hiệu quả hơn. Cụ thể: đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thuận lợi và cạnh tranh cao hơn; rà soát bổ sung ưu đãi cho những dự án hạ tầng có tính lan tỏa; thu hút ưu đã công nghiệp hỗ trợ; thu hút đầu tư vào thị trường tài chính, vốn vừa hiệu quả vừa chặt chẽ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN