“Miếng bánh FDI” đang nhỏ lại

Thị trường và nền kinh tế Việt Nam dù đang có dấu hiệu khủng hoảng nhưng vẫn có những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các chuyên gia kinh tế đang lo ngại: Nếu không có những biện pháp tích cực, toàn diện thì Việt Nam sẽ ngày càng “rớt hạng” trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kém thu hút FDI do chậm cải cách

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số xếp hạng “Môi trường kinh doanh 2012”, Việt Nam tụt 8 bậc khi chỉ xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng. Theo WB, nguyên nhân chính của sự sa sút này là do Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện, ngành đầu tàu trong nền kinh tế.

Vẫn theo báo cáo này, trong cải cách hành chính của Việt Nam vẫn diễn ra tiến chậm chạp ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư. Xét về tổng thể, Việt Nam mới chỉ cải thiện được một ít tại 3 trong số 10 lĩnh vực được đánh giá, bao gồm: giấy phép xây dựng, bảo vệ nhà đầu tư và thực thi hợp đồng.

“Những lĩnh vực đang yếu kém đi của Việt Nam là cấp phép đăng ký tài sản, đóng thuế và tiếp cận tín dụng” – đại diện WB cho biết.

Theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, lòng tin của các doanh nghiệp châu Âu về sự phát triển trong dài hạn của Việt Nam đã có chiều hướng suy giảm từ đầu năm 2011.

Theo kết quả điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam, trong năm vừa qua, chỉ số BCI đã giảm từ 70 xuống còn 53 điểm và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn.

“Miếng bánh FDI” đang nhỏ lại - 1

Miếng bánh FDI sẽ nhỏ dần nếu như không có những chính sách thu hút phù hợp.

“Cùng với tỷ lệ lạm phát cao và sự sụt giảm FDI trong thời gian gần đây, các DN châu Âu vẫn đang quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, ông Preben Hjortlund cho biết. EuroCham cũng nhấn mạnh rằng đây là sự kết hợp của tiến trình thay đổi chậm chạp trong nhiều vấn đề cũ với một số vấn đề mới phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến “tiếp cận thị trường”.

Trong khi đó, ông Mark Gillin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) dẫn lại chuyện vào tháng 2/2012, Việt Nam đã trở thành quốc gia duy nhất ở châu Á bị “xuống hạng” trong báo cáo “Chỉ số niềm tin FDI” . Báo cáo này cho thấy Việt Nam đã rớt từ vị trí thứ 12 trong năm 2010 xuống vị trí thứ 14 vào năm 2011. Trong khi đó, Indonesia đã thăng hạng từ vị trí thứ 20 trong năm 2010 lên vị trí thứ 9 năm 2011, và vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 19,3 tỷ USD, gấp đôi năm trước. Malaysia cũng thăng hạng từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 10.

“Rõ ràng Việt Nam đã có một số đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ về FDI trong khối ASEAN. Miếng bánh FDI sẽ nhỏ dần nếu như không có những chính sách thu hút phù hợp”, ông Mark Gillin nói.

Cải cách DNNN để đảm bảo thị trường vốn

Trước đó, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN cho biết đã nhận thấy 1 số tín hiệu tích cực: lạm phát của Việt Nam trở về mức 1 con số, niềm tin của các DN vào chính sách vĩ mô được củng cố. Theo dánh giá của NHNN, thị trường tiền tệ đang dần ổn định, quá trình tái cơ cấu hệ thống NH đã và đang được diễn ra mạnh mẽ. NHNN và Chính phủ sẽ tiếp tục có những biện pháp xử lý nợ xấu, khoanh nợ, giãn nợ cho các DN, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất ổn định góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên theo ông Teri Hamony - một NĐT nước ngoài thì việc các NĐT nước ngoài đang có tâm lý chững lại hoặc e ngại thị trường Việt Nam là do Việt Nam chưa thực sự hiệu quả trong việc thực thi các chính sách về hành chính và kinh tế. Ông Teri Hamony nhấn mạnh đến viêc để thu hút FDI mạnh mẽ,Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách Doanh nghiệp nhà nước. (DNNN); phải chỉ ra lịch trình để thu hút NĐT nước ngoài như giảm thuế…

“Cải cách DNNN là điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo phát triển thị trường vốn và tính hiệu quả của nền kinh tế của các quốc gia. Cụ thể tại Việt Nam là thúc đẩy việc cổ phần hóa các ngành chủ lực như là Viễn thông và ngân hàng. Để làm được điều này, Việt Nam cần phải học hỏi các nước trên thế giới và khu vực. Mặt khác, các DNNN cũng cần tập trung các ngành kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải dẫn tới rủi ro, tổn thất lớn” - ông Teri Hamony nhấn mạnh.

Đại diện của Hiệp hội DN Singapore tại Việt Nam cũng cho rằng, các NĐT Singapore rất cần tính minh bạch trong thông tin của chính phủ VN. “Cách thu hút tốt nhất để khuyến khích các NĐT nước ngoài là việc cung cấp thông tin nhanh, chính xác và hạn chế tham nhũng trong hệ thống công quyền. Các NĐT nước ngoài hiện rất khó tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, cty phá sản... tại các địa phương nên họ khó đánh giá về tiềm năng, cũng như rủi ro khi quyết định đầu tư”- vị này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN