10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 84 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi

Sự kiện: Kinh Doanh

Những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm 2018.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt

Tính chung 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2017.  Trong đó, IIP của ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, ngành cung cấp nước, xử lý thải tăng 6,6%. Riêng, IIP của ngành khai khoáng lại giảm 2,6% so với cùng kì năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hà Tĩnh đạt tốc độ tăng cao nhất với mức 105,6% nhờ sự đóng góp của Tập đoàn Formosa.

Gần 92.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể

Tính chung 10 tháng, cả nước có 109.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 84 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi - 1

Tình hình biến động doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2018

Bên cạnh đó, còn có 27.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể trong 10 tháng năm 2018 lần lượt là 78.404 và 13.307 doanh nghiệp, tăng lần lượt 48,5% và 35,9 % so với cùng kỳ năm trước.

Nhật Bản là quốc gia đăng ký đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2018 thu hút 2.458 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.028,2 triệu USD, tăng 18,7% về số dự án và giảm 7,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, các tỉnh thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất là Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam vẫn là những cái tên quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Cả nước xuất siêu 6,43 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm

Tính chung 10 tháng năm 2018, cả nước xuất siêu 6,43 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 84 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi - 2

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đơn vị: tỷ USD

10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 84 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi - 3

Các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất. Đơn vị: tỷ USD

Khách du lịch vào Việt Nam nhiều nhất từ Trung Quốc

Tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 12.821,6 nghìn lượt người, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 84 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi - 4

Các quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất 10 tháng đầu năm. Đơn vị: nghìn lượt người

Thu chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2018 ước tính đạt 1.009 nghìn tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa chiếm 79,13%, thu từ dầu thô chiếm 4,8%, còn lại là tư cân đối ngân sách xuất nhập khẩu.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2018 ước tính đạt 1.051,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên ở mức 728,9 nghìn tỷ đồng, chi cho đầu tư phát triển là 220,1 nghìn tỷ đồng và chi trả nợ lãi là 84,5 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN