Nóng tuần qua: “Thái tử” Samsung quyết định ở hay đi khỏi Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Những đồn đoán trước đó rằng Samsung có thể chuyển sản xuất sang Triều Tiên đã được lãnh đạo tập đoàn này lên tiếng trả lời trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tranh cãi đề xuất không bán nhà nội đô cho người ngoại tỉnh

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có đề xuất hạn chế tăng dân số vào nội đô dẫn đến quá tải về hạ tầng. Cụ thể, chỉ nên bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. 

Theo ông, những công trình nội đô chỉ nên phục vụ di dân phố cổ, không di dời người dân sang Long Biên, Gia Lâm, trong khi những người ngoại tỉnh lại di dân vào trung tâm như hiện nay.

Ý kiến này sau đó đã gây tranh cãi không nhỏ trong cộng đồng mạng. Có ý kiến cho rằng, đây là đề xuất ngược với xu hướng phát triển của thời đại bởi quyền cư trú của người dân phải được tôn trọng, nhất là trong nền kinh tế thị trường, mỗi người có quyền lựa chọn chỗ ở, chỗ làm theo nhu cầu cá nhân.

Đề xuất này cũng bị coi là cũ bởi hướng thay đổi đang được tính tới là bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng mã số định danh. 

Sau đồn đoán, sếp Samsung hứa hoạt động tại Việt Nam

Nóng tuần qua: “Thái tử” Samsung quyết định ở hay đi khỏi Việt Nam - 1

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy Samsung tại Việt Nam là 54,4 tỷ USD.

Sau những thông tin trước đó cho rằng, Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chính của Samsung, mới đây, lãnh đạo tập đoàn này đã lần đầu bày tỏ thái độ.

Ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần qua đã khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Thậm chí, theo ông, tập đoàn đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng phụ tùng, cung ứng nguồn nhân lực tại Samsung.

Trước đó, trả lời báo chí, ông You Seung-min, Chiến lược gia trưởng tại Samsung Securities cho rằng, Triều Tiên có thể đóng vai trò sản xuất chính tại châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu bởi chi phí nhân công rẻ, không có rào cản ngôn ngữ và có cùng múi giờ.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy Samsung tại Việt Nam là 54,4 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hà Nội tuyên bố xử nghiêm vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn bất kể là ai

Tuần qua, tại phiên họp giao ban công tác UBND TP Hà Nội tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ ra sự yếu kém trong công tác quản lý như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Ba Vì, Sóc Sơn.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Riêng đối với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NNPT&NT và huyện phải tổ chức cưỡng chế vi phạm.

Ông Chung chỉ đạo, trước tiên, sẽ ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế. “Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra TP thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông nói.

Nóng tuần qua: “Thái tử” Samsung quyết định ở hay đi khỏi Việt Nam - 2

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn.

Đại chiến Vinasun-Grab vẫn chưa có phán quyết

Phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng đã phải tạm dừng vì hội đồng xét xử cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng theo quy định của luật thì cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.

Trước đó, phía Viện Kiểm sát đã bày tỏ quan điểm đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỷ đồng cho thiệt hại phát sinh do các hành vi của Grab gây ra.

Hồi tháng 6 năm ngoái Vinasun kiện Grab ra tòa. Theo đơn khởi kiện, Vinasun cáo buộc Grab làm giảm doanh số, vi phạm quy định và hoạt động như một doanh nghiệp vận tải. Theo Vinasun, hành vi của Grab đã khiến 8.000 lao động của Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Vinasun yêu cầu Grab bồi thường một lần là 41,2 tỷ đồng.

Loạt 'ông lớn' lo phải nộp thêm hàng trăm tỷ tiền thuế

Nóng tuần qua: “Thái tử” Samsung quyết định ở hay đi khỏi Việt Nam - 3

EVN là một trong các ông lớn bày tỏ lo lắng, việc áp dụng nghị định mới sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh hàng trăm tỷ tiền thuế và khiến tình hình tài chính khó khăn.

Một loạt Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp lớn kiến nghị gửi Bộ Tài chính bày tỏ lúng túng trong quá trình thực hiện Nghị định số 20/2017. 

Văn bản này quy định: Tổng chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần. Tức là, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) và ập đoàn Than khoáng sản (TKV) có chung ý kiến: Do nhu cầu đầu tư lớn nên các đơn vị phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước lớn. Nếu áp dụng như nghị định, mỗi công ty sẽ phát sinh hàng trăm tỷ tiền thuế và khiến tình hình tài chính khó khăn.

Các đơn vị kiến nghị không áp dụng khống chế chi phí lãi vay hoặc cho phép doanh nghiệp được phân bổ lãi vay theo doanh thu hoặc thời gian hoạt động của dự án.

Đại gia tuần qua: Bamboo Airways có nữ tướng khủng trước ngày cất cánh

Đây là một trong những chuyển động đáng chú ý trong làng đại gia tuần qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN