Ngân hàng đua nhau rao bán “gà đẻ trứng vàng”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từng được coi là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà băng nhưng thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch bán vốn khỏi các công ty tài chính tiêu dùng để tập trung vào hoạt động cốt lõi.

Các công ty tài chính tiêu dùng từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng. Điển hình nhất là FE Credit từ khi thành lập năm 2015 đến đầu năm 2021, công ty này đã mang lại cho VPBank trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đóng góp tỷ lệ lớn vào lợi nhuận của nhà băng.

Tuy nhiên, đầu tháng 4/2021, VPBank đã ký thỏa thuận bán 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

Sau thương vụ chuyển nhượng vốn của VPBank tại FE Credit, thời gian gần đây, hàng loạt nhà băng cũng đua nhau công bố kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng đang sở hữu.

Theo đó, ngày 25/8, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.

Khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản; SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

SHB là ngân hàng mới nhất công bố thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại

SHB là ngân hàng mới nhất công bố thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại

Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của nhà băng.  

Trong cuộc trao đổi với các chuyên viên phân tích tại buổi gặp mặt nhà đầu tư tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng cho biết thay vì bán 50% vốn công ty tài chính FCCOM như kế hoạch đã đặt ra, ngân hàng dự kiến bán toàn bộ 100% vốn.

Hiện nay có 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng và thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Sau kế hoạch bán công ty tài chính, ngân hàng MSB cũng muốn thoái sạch vốn tại AMC. Cụ thể, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) ra thông báo bán đấu giá công khai toàn bộ giá trị vốn góp của ngân hàng tại Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB AMC).

Trước đó, ngày 24/12/2020, HĐQT MSB có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp tại MSB AMC. Theo đó, việc thay đổi này là để phát triển theo đúng định hướng tập trung cho hoạt động kinh doanh chính là mảng ngân hàng.

Báo cáo của Chứng khoán KB (KBSV) hồi giữa tháng 8 cho biết ngân hàng VietinBank cũng đang có kế hoạch bán vốn tại một loạt công ty con.

Cụ thể, ngân hàng này đang trình xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoái 50% vốn tại VietinBank Leasing với kỳ vọng có thể thực hiện vào cuối năm nay.

Tương tự, VietinBank đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) từ từ 75,6% xuống khoảng 50% và dần hoàn thành việc thu bớt vốn từ 950 tỷ đồng xuống 300 tỷ tại Vietinbank Capital.

Liên quan tới hoạt động thoái vốn của ngân hàng này, mới đây HĐQT VietinBank cũng đã ban hành nghị quyết về việc gia hạn thời gian liên quan giao dịch chuyển nhượng 50% vốn tại công ty con - VietinBank Leasing với đối tác Nhật.

VietinBank Leasing là công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do VietinBank nắm 100%, hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê tài chính. Tính đến cuối tháng 6, công ty có tổng nguồn vốn vào khoảng 3.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng của VietinBank Leasing đạt 3.431 tỷ, tăng 3,6%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng liên tục công bố kế hoạch thoái vốn khỏi “gà đẻ trứng vàng” những năm gần đây là bởi việc vận hành một công ty tài chính rất khó, đòi hỏi phải có chuyên môn chứ không thể là những “tay mơ”.

Trước VPBank và SHB công bố đối tác chiến lược nhận chuyển nhượng vốn tại công ty tài chính của mình thì cả HDBank và MBBank đều đã tìm được đối tác chiến lược cho công ty tài chính tiêu dùng.

Theo đó, cả HD SAISON và MCredit đều có kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 quý đầu năm 2021. Trong đó, với sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài đã giúp cho HD SAISON mang về cho HDBank hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch Covid-19 càn quét, tài xế xe dịch vụ phải rao bán xe giá rẻ

Không có thu nhập bởi tác động của dịch Covid-19, nhưng hàng tháng vẫn phải thanh toán lãi suất ngân hàng, bảo dưỡng, chỗ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN