Dịch Covid-19 càn quét, tài xế xe dịch vụ phải rao bán xe giá rẻ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không có thu nhập bởi tác động của dịch Covid-19, nhưng hàng tháng vẫn phải thanh toán lãi suất ngân hàng, bảo dưỡng, chỗ để xe,... khiến nhiều tài xế dịch vụ phải tính đến phương án rao bán xe.

Kể từ khi TP Hà Nội thực hiện siết chặt các yêu cầu về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chiếc xe chạy dịch vụ của gia đình anh Thanh (Hà Đông) đã nằm im trong bãi gửi gần nhà.  

Thu nhập bằng 0 nhưng chi phí chỗ gửi xe, nợ ngân hàng vẫn trả đúng hạn, anh Thanh cho biết với những người đầu tư ô tô nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ như mình thì việc chiếc xe hàng trăm triệu đồng nằm bất động triền miên đang trở thành nỗi lo lớn.

Ông bố 2 con này cho biết trước đây bản thân có thể kiếm được từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng từ việc chạy xe công nghệ và dịch vụ. Những tháng cao điểm có thể kiếm được từ 25 đến 30 triệu đồng. Do đó, việc chi ra gần 7 triệu đồng thanh toán tiền vay ngân hàng mua xe không quá áp lực.

Ô tô đã qua sử dụng đang được rao bán nhiều trên các diễn đàn

Ô tô đã qua sử dụng đang được rao bán nhiều trên các diễn đàn

Tuy nhiên, kể từ khi UBND Hà Nội yêu cầu tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch, anh Thanh rơi vào cảnh thất nghiệp. Nguồn thu chính trong gia đình gần về 0 bởi công việc của vợ anh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Anh Thanh cho biết riêng tiền trả nợ ngân hàng cộng sinh hoạt phí gia đình đã là trên 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn nhiều khoản phát sinh khác từ chiếc xe như bảo dưỡng, phí gửi xe…. Để trang trải cuộc sống, gia đình anh đã phải rút dần tiền tiết kiệm trước đó để sử dụng.

“Đến nay gia đình chúng tôi vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ và chi phí nuôi xe khiến hoạt động ăn uống, tiêu pha trong gia đình giờ đều cẩn trọng, chắt bóp hơn”, ông bố 2 con cho biết.

Đồng cảnh ngộ, anh Tường - tài xế tự do tại Hà Nội cho biết mới mua xe trả góp được hơn một năm, bản thân đang phải đóng cả gốc và lãi, tổng cộng 8 triệu đồng/tháng cho ngân hàng.

“Dịch bệnh tôi không làm gì được, trong khi nợ ngân hàng thì vẫn phải thanh toán, lãi suất không đổi”, anh Tường chia sẻ. Không có thu nhập, trong khi hàng tháng vẫn phải trả một số tiền lớn để “nuôi xe” đã khiến anh phải vay tiền người thân để trang trải các khoản chi tiêu cho gia đình.

Cả anh Thanh và anh Tường cùng cho biết tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thời gian qua đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều tài xế làm nghề lái taxi và chạy xe dịch vụ công nghệ như mình.

Theo anh Thanh, phần lớn tài xế chạy xe dịch vụ và taxi thường có xu hướng mua xe trả góp. Trước khi bị tác động bởi dịch Covid-19, đây là nghề hái ra tiền với nhiều người, do đó việc thanh toán lãi, gốc, chi phí dịch vụ với hãng là không quá áp lực.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, thu nhập của cánh tài xế giảm hẳn. Nhiều người đã sớm phải bán xe ở những đợt dịch bùng phát đầu tiên. Anh Thanh thừa nhận đây được xem là thời điểm khó khăn nhất với cánh lái xe dịch vụ bởi xe không hoạt động trong một thời gian dài có nghĩa tài xế không có tiền và buộc phải sử dụng đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng của gia đình.

Anh Thanh chia sẻ, trước áp lực phải trả lãi ngân hàng và trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, nhiều đồng nghiệp của anh đã phải quyết định rao bán chiếc xe dù nó là “cần câu cơm” của họ.

Tuy nhiên, anh Thanh cho biết việc tìm người mua xe thời điểm này là không dễ dàng bởi không nhiều người sẵn sàng bỏ vài trăm triệu để mua xe chạy dịch vụ. “Lượng tin rao bán xe ngày càng nhiều nhưng số khách hỏi mua thì rất ít bởi loại hình kinh doanh xe dịch vụ thời điểm này không còn hấp dẫn với nhiều người”, anh Thanh chia sẻ.

Không chỉ cánh tài xế tính đến phương án bán xe để trả khoản vay ngân hàng, thời gian gần đây nhiều nhà băng cũng liên tục rao bán thanh lý ô tô với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 30-120 triệu đồng/xe tuỳ vào hình thức, niên hạn, chất lượng xe,... để xử lý nợ xấu.

Thời gian qua Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã thông báo thanh lý hàng loạt xe ô tô như Huyndai Kona-2020, Toyota Vios E 2019, Mazda 3-2020, Toyota Vios BKS 68A, Ford Transit SX 2018, Ford Ranger 17C, Toyota Fortuner 61A SX 2018… với giá từ 280 triệu đồng đến 780 triệu đồng.

Tương tự, ngân hàng Techcombank cũng liên tục đăng nhiều thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là ôtô. Tích cực thanh lý tài sản đảm bảo là ô tô để thu hồi nợ còn có tên VPBank. Những chiếc xe do ngân hàng này rao bán thời gian qua rẻ nhất có giá khởi điểm là 239,798 triệu đồng và chiếc đắt nhất có giá khởi điểm 7,77 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

6 tháng đầu năm nay, Sacombank đang kinh doanh ra sao?

Không chỉ lãi đột biến trong nửa đầu năm, Sacombank cũng vừa thu được khoản tiền lớn lên tới cả nghìn tỷ đồng từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN