Loạt tài sản hàng trăm đến nghìn tỷ đồng được ngân hàng "đại hạ giá"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng tiếp tục rao bán loạt tài sản lớn để xử lý những khoản nợ xấu từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) mới đây thông báo về việc đấu giá khoản nợ của CTCP Dệt may Đông Á (Dagatex). Theo công bố của ngân hàng, tổng nợ nghĩa vụ của Dagatex tính đến ngày 22/12/2023 là 1.297 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 405 tỷ đồng, gần 522 tỷ đồng tiền lãi và tổng phạt 370 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Dệt may Đông Á gồm 3,6 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phúc Thịnh; Toàn bộ các tài sản, các quyền tài sản đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai từ Dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng tại: Số 185-189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM, tọa lạc trên diện tích khu đất là 27.620m2; Quyền sử dụng đất thuê 50.000m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thời hạn thuê đến 12/9/2053.

Và quyền sử dụng đất nông nghiệp (tổng diện tích 78.430m2) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi bao gồm 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 7 hộ nông dân và các biên bản giao nhận tiền, biên bản kiểm kê thiệt hại, biên bản hiệp thương đền bù.

Trong lần thứ 7 rao bán khoản nợ của Dệt may Đông Á, ngân hàng OceanBank đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này chỉ 479 tỷ đồng, chỉ bằng 37% tổng nghĩa vụ nợ.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Sài Gòn (VietinBank Bắc Sài Gòn) lần thứ 11 rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 146 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM.

Dư nợ của khoản nợ tạm tính đến ngày 5/1/2024 là hơn 575 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 327,25 tỷ đồng, lãi trong hạn cộng dồn là gần 169 tỷ đồng và lãi quá hạn là gần 79 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và quyền sử dụng đất, trong đó có 20 quyền sử dụng đất nông nghiệp, cây lâu năm và đất rừng sản xuất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với diện tích từ vài nghìn mét vuông đến gần 30.000 mét vuông.

Trong lần rao bán này, VietinBank Bắc Sài Gòn đưa ra mức giá khởi điểm chỉ còn 115 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nợ của doanh nghiệp và bằng 35% dư nợ gốc của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp.

Sacombank là ngân hàng đang có nhiều khoản nợ trị giá trăm tỷ đến nghìn tỷ rao bán nhất

Sacombank là ngân hàng đang có nhiều khoản nợ trị giá trăm tỷ đến nghìn tỷ rao bán nhất

Một trong những ngân hàng có nhiều khoản nợ trăm tỷ đến nghìn tỷ tích cực rao bán thanh lý tài sản để xử lý nợ xấu trong những ngày đầu năm 2024 là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB). Theo đó, mới đây Sacombank đã tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Ngọc Sương. Theo đó, tổng nợ của doanh nghiệp đến ngày 30/6/2019 là hơn 121 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 48,7 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 48 tỷ đồng và lãi quá hạn hơn 24 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là 4 thửa đất sản xuất kinh doanh tại khu Bãi Lao, thôn Bình Lập, Cam Lập, Cam Ranh, Khánh Hòa, thời hạn thuê đất đến năm 2057. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là gần 53 tỷ đồng.

Sacombank cũng bán đấu giá khoản nợ của công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ. Tổng nghĩa vụ khoản nợ của doanh nghiệp đến 31/12/2019 là gần 474 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ là BĐS tại số 21-23 Nguyễn Biểu, phường 01, Quận 5, TP HCM. Giá khởi điểm của khoản nợ là gần 109 tỷ đồng.

Sacombank cũng bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phát. Tổng nợ của doanh nghiệp là 596 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 188 tỷ đồng, nợ lãi hơn 407 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phần của công ty cổ phần BĐS Đô Thành (DTR). Giá khởi điểm khoản nợ được ngân hàng đưa ra lần rao bán đấu giá đầu năm 2024 là 189 tỷ đồng.

Sacombank cũng đang rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là lô đất dùng để sản xuất kinh doanh diện tích 11.221,7m2  tại số 02 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP HCM với giá khởi điểm gần 509 tỷ đồng. Hay lô đất diện tích 1.774m2 tại số 28-30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5 TP HCM được ngân hàng rao bán với giá 282,2 tỷ đồng.

Một khoản nợ trăm tỷ khác được STB rao bán đấu giá đầu năm 2024 là của DNTN Thương mại vận tải Lan Anh (nay là Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn TPP). Tổng nợ của doanh nghiệp đến 20/5/2020 là gần 195 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc hơn 78 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 76 tỷ đồng và lãi quá hạn, tiền phạt là gần 40 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là loạt BĐS tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là gần 104 tỷ đồng.

Mặc dù các ngân hàng đã liên tục “đại hạ giá” tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu nhưng việc đấu giá vẫn “ế ẩm”. Nguyên nhân chính khiến cho hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là do thị trường bất động sản đang đóng băng và các vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản còn nhiều khiến người mua dè dặt hơn.  

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, việc thanh lý tài sản trong thời gian vừa qua rất khó khăn. Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý do thị trường nhà đất gần như đóng băng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, một lý do nữa khiến cho việc thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là vì định giá phát mại tài sản nhiều khi không theo giá thị trường mà thường được tính gộp gốc và lãi, mỗi lần chiết khấu từ 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước việc lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục những ngày đầu năm 2024, trong khi thị trường chứng khoán, vàng vẫn còn nhiều rủi ro, nhiều người có tiền nhàn rỗi bắt đầu rút tiền săn đất nền giá rẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN