Khối tài sản trăm tỷ của các Chủ tịch và Tổng giám đôc ngân hàng thế hệ 8X
Không chỉ được bổ nhiệm giữ những chức vụ cao nhất tại các ngân hàng, những 8X này cũng đang sở hữu khối tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng.
Theo báo cáo quản trị và thông tin được các ngân hàng công bố, tính đến cuối năm 2023, có 7 doanh nhân thế hệ 8X được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc các ngân hàng tại Việt Nam. Trong đó, gương mặt trẻ nhất là bà Trần Thị Thu Hằng, sinh năm 1985 giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank). Ngoài ngành ngân hàng, bà Hằng cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine International Property Technology, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Sunshine Tech, Phó Tổng giám đốc đầu tư quốc tế và IPO Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine AM, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine Sky Villa.
Bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, tốt nghiệp cử nhân Kế toán tại Trường Đại học George Mason (Mỹ), thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster (Anh). Bà Phương gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) và đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank (EIB).
Có 7 gương mặt thế hệ 8X đang giữ vị trí Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc ngân hàng tại Việt Nam
Hai gương mặt sinh năm 1983 đang giữ vị trí lãnh đạo tại ngân hàng là ông Dương Nhất Nguyên, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, Trường Đại học DeVry, Hoa Kỳ, hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB). Và ông Phương Thành Long, thạc sĩ Tài chính Đại học Benedictine (Mỹ) và có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại các tổ chức tài chính và ngân hàng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank.
Trong khi đó có 4 doanh nhân cùng sinh năm 1980 đang giữ những vị trí lãnh đạo cao nhất tại các ngân hàng ở Việt Nam. Trong đó, bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 2001, nhận chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập năm 2005 (CPA-Bộ Tài chính), tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi ngành quản trị kinh doanh tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) năm 2012 và được cấp chứng chỉ Kế toán viên công chứng Australia năm 2014 (CPA Australia) giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB).
Ông Tạ Kiều Hưng sinh năm 1980 Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp-Việt (CFVG) - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc của NVB.
Và ông Phạm Như Ánh, sinh năm 1980, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh – Viện Quản trị kinh doanh UBI - Bỉ, và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB).
Không chỉ giữ vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc tại các ngân hàng Việt Nam, một số doanh nhân 8X kể trên cũng đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng. Trong đó, Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch Kienlongbank đang trực tiếp nắm giữ gần 17,3 triệu cổ phiếu KLB tương đương tỷ lệ 4,3% cổ phần của nhà băng này. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 7/2, khối tài sản nữ Chủ tịch sinh năm 1985 đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 208 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch ngân hàng VBB đang trực tiếp nắm giữ hơn 16,05 triệu cổ phiếu VBB, tương đương tỷ lệ nắm giữ 3,36% cổ phần ngân hàng này. Tính theo giá thị trường, ông Nguyên đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 160 tỷ đồng.
Các Chủ tịch và Tổng giám đốc còn lại như Đỗ Hà Phương, Bùi Thị Thanh Hương, Tạ Kiều Hưng, Phạm Như Ánh và Phương Thành Long lại không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại Ngân hàng do mình làm lãnh đạo.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với những biến động của thị trường chứng khoán trong năm 2023, khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam cũng ghi nhận biến động mạnh.