Sàn chứng khoán quốc tế trực tuyến: Cảnh giác kẻo bị lừa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, kêu gọi, mời chào mở tài khoản đầu tư với cam kết, hứa hẹn lợi nhuận cao, xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, không ít người nghe theo lời mời chào đã bị lừa mất tiền trong tài khoản đầu tư. Cơ quan chức năng và chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, thận trọng với hình thức này.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Ảnh: Bông Mai

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Ảnh: Bông Mai

Mất tiền khi tham gia sàn chứng khoán quốc tế

Chị N.L.A (quận Hoàn Kiếm) cho biết, tháng 2-2022, chị liên tục nhận được cuộc gọi mời đầu tư qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, với sự hỗ trợ của chuyên gia và cam kết lợi nhuận cao. Chị thường xuyên được chia sẻ câu chuyện thành công của nhiều nhà đầu tư; nhận thông tin về diễn biến cổ phiếu của các tập đoàn lớn nước ngoài, mã cổ phiếu các tỷ phú trên thế giới đầu tư... Thấy hấp dẫn, chị quyết định mở tài khoản giao dịch và nộp 50 triệu đồng. Ban đầu, các lệnh giao dịch theo hướng dẫn đều có lời. Được thuyết phục nạp thêm tiền vì có mã cổ phiếu sắp chia cổ tức, lợi nhuận cao, chị N.L.A không mảy may nghi ngờ, chuyển tiếp 450 triệu đồng vào tài khoản. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, khi thực hiện các lệnh lớn, tài khoản liên tục báo lỗ, “cháy” (tình trạng nhà đầu tư bị thua lỗ và mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra để đầu tư). Các dữ liệu trong tài khoản bị xóa sạch.

Thực tế, chị N.L.A chỉ là một trong nhiều nhà đầu tư bị mắc bẫy khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán quốc tế thời gian qua. Qua tìm hiểu, cách thức và chiêu trò của những kiểu sàn giao dịch này thường là mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua điện thoại, mạng xã hội, sau đó tư vấn người chơi mở tài khoản, nạp tiền và giao dịch thông qua các website, ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động. Những lệnh đầu tiên, sàn giao dịch thường để cho nhà đầu tư thắng, sau đó tư vấn “đánh” các lệnh lớn, chủ sàn can thiệp trực tiếp vào tài khoản của khách hàng như chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến “cháy” tài khoản. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư thực chất giao dịch với chủ sàn chứ không phải giao dịch cổ phiếu trên sàn quốc tế như họ nghĩ. 

Chuyên gia Nguyễn Thế Minh (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho biết, những đường dây này thường đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ của nhà đầu tư. Người bị lừa chủ yếu là người không có kiến thức về tài chính, chứng khoán. Các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế mà những đối tượng chèo kéo nhà đầu tư tham gia đều không được cấp phép tại Việt Nam. Các phần mềm thanh toán cũng do các sàn này tự tạo ra, không có cơ quan quản lý.

Cần có kiến thức và tìm hiểu kỹ thông tin

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã nhiều lần cảnh báo việc tham gia vào các kênh giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến không được pháp luật Việt Nam cho phép. Cụ thể, một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế, đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế (BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx,…) kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế. Các sàn giao dịch chứng khoán này không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.

Thông tin từ cơ quan công an và đơn khiếu nại của nhà đầu tư cho thấy, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do chính các đối tượng này vận hành, dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ, để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước thông tin, theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán. Công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép. Các cá nhân hoạt động môi giới phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ, cũng như được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề.

Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định và phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết, đăng ký giao dịch. Khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến trên, nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và không được pháp luật bảo vệ.

"Vì vậy, người dân cần cảnh giác, thận trọng. Khi đầu tư, người dân cần phải có kiến thức và tìm hiểu kỹ càng, đặc biệt là tìm hiểu ứng dụng giao dịch có được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép hay không", chuyên gia Nguyễn Thế Minh khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 940.000 người vừa tham gia thị trường hai tháng qua đã chịu cú sốc: Nên làm gì tiếp theo?

Thị trường hiện tại không phải điều kiện quá lý tưởng cho các nhà đầu tư cá nhân lướt sóng ngắn hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Thủy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN