Nam Từ Liêm, Hà Nội: Nhà phình to, đường thu nhỏ, nỗi lo ùn tắc giao thông

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều dự án quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều chỉnh theo hướng "nhồi" cư dân, lo ngại tắc đường gia tăng.

Điều chỉnh dự án theo hướng "nhồi" dân

Một trong những đoạn đường phải kể đến là đường K2, phường Cầu Diễn, đoạn từ đầu cầu Diễn đến khu đô thị Vinhomes Hàm Nghi. Đoạn đường chưa đầy 1km, hai làn xe ô tô tránh nhau, là nút thắt giữa 2 tuyến đường Hàm Nghi nối ra Quốc Lộ 32, thường xuyên ùn ứ vào các giờ cao điểm.

Đường K2 đường Cầu Diễn sắp gánh 361 căn hộ từ dự án Hoàng Thành Pearl

Đường K2 đường Cầu Diễn sắp gánh 361 căn hộ từ dự án Hoàng Thành Pearl

Tới đây, đoạn đường này sẽ "gánh" thêm 361 căn hộ (336 căn hộ chung cư, 25 căn nhà liền kề) từ dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (Chung cư Hoàng Thành Pearl - Mỹ Đình), số 55, đường K2, phường Cầu Diễn. Dự án "mọc" lên từ 14.786m2 được chuyển đổi mục đích không qua đấu giá, đấu thầu từ nền nhà máy Công ty cổ phần Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội năm 2019.

Liên quan đến Dự án Mỹ Đình Pearl, QĐ 130 của TTCP về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội nêu: Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp,..., được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời.

Đồng thời, đất sau khi di dời cơ sở phải ưu tiên sử dụng để xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội và kỹ thuật đô thị.

Thực tế, khu đất của Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội sau khi di dời lại mọc lên Dự án nhà ở thương mại để bán.

Đại diện quận Nam Từ Liêm xác nhận, dự án được chuyển đổi đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.

Tương tự tại ngã tư vòng xuyến giao đường Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm, Mễ Trì, giờ cao điểm hàng ngày, những đoàn xe máy, ô tô chen chúc đan nhau hình răng lược, xếp dài hàng trăm mét. Người tham gia giao thông phải mất 20-30 phút đồng hồ mới qua giao điểm. Nhiều hôm, đội Cảnh sát giao thông số 6 phải cử 4 chiến sỹ phân luồng giao thông.

Dù vậy, tuyến đường này tới đây sẽ phải gánh thêm gần 1.000 người từ dự án Golden Palace vừa được điều chỉnh nâng tầng.

Trước đó, ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2, diện tích khoảng 7.782m2; diện tích xây dựng 3.610m2; chức năng đất công cộng cũng đã được TP Hà Nội điều chỉnh sang đất có chức năng ở. Theo quyết định của Hà Nội, ô đất CC1 sau khi điều chỉnh sẽ gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liên kề.

Chiều cao công trình xây dựng trung bình 5,3 tầng (từ 5 đến 9 tầng) được nâng lên từ 6 - 9 tầng. Khi dự án này được đưa vào sử dụng sẽ có khoảng 700 người lưu trú và đổ ra đường mỗi ngày.

Hay như Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng). Ô đất N6.3, diện tích 4.500m2, quy hoạch Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng cũng được điều chỉnh sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ)...

Lo lắng môi trường ô nhiễm, giao thông ùn tắc

Trên thực tế, tại báo cáo thuyết minh tổng hợp kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của quận Nam Từ Liêm, hệ thống nước ngầm ở một số khu vực phía Nam của quận có hàm lượng Amoni cao hơn giới hạn ô nhiễm nước dưới đất (3mg/l); tầng chứa nước QH cao hơn tầng PQ, nước bị nhiễm bẩn từ tầng trên xuống tầng dưới...

Dự án Hoàng Thành Pearl đang triển khai xây dựng

Dự án Hoàng Thành Pearl đang triển khai xây dựng

Hệ thống nước mặt, đơn cử như Sông Nhuệ chịu lượng chất thải từ nhánh sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, trung bình một ngày đêm 2 triệu m3 và chịu nhiều nước thải khác phát sinh từ khu dân cư, du lịch, nhà hàng, các cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo Tổng cục đo lường Việt Nam, hiện nay giá trị COD của con sông này đã vượt 7-8 lần, BOD5 vượt 7 lần, giá trị Coliform cao hơn TCVN 5942-1995 (loại B); Chất lượng nước kém, nước màu đen, váng, nhiều cặn lắng và có mùi tanh.

Khối lượng bụi lắng hiện nay có là 190,6 tấn/km2/năm, cao gấp 2 lần nồng độ cho phép bụi lắng 96tấn/km3/năm. Mức độ ô nhiễm vừa; nồng độ bụi lơ lửng trong không khí ở mức 0,2 - 0,3 mg/m2 và có xu hướng tăng vượt chỉ tiêu cho phép.

Trước thực trạng trên, không ít người dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm lo ngại tình trạng ô nhiễm, ùn tắc trên những tuyến đường giống như đang xảy ra với đường Lê Văn Lương.

Anh Nguyễn Quang Hoà (Phú Đô) lo lắng, đường Châu Văn Liêm trước đây thông thoáng, nhưng thời gian gần đây ngày nào cũng ùn tắc, người tham gia giao thông leo kín vỉa hè, nhất là giờ cao điểm.

"Tới đây, khi dự án Mỹ Đình Pearl hoàn thành, mỗi ngày thêm khoảng mấy nghìn người từ dự án ra đường giờ cao điểm thì không biết đi vào đâu. Đấy là chưa nói, khi dự án Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh mỗi ngày 2.000 lượt thăm khám, cấp cứu hay những hôm sân vận động Mỹ Đình có sự kiện thì đi kiểu gì?", anh Hoà đặt câu hỏi.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội. Trước khi điều chỉnh có sự cân đối, tham mưu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải..., quận chỉ tham gia ý kiến. Còn để khẳng định việc các nút giao như Châu Văn Liêm, đường K2 Cầu Diễn... có tắc hay không cần phải có số liệu cụ thể.

Tuy nhiên, vị này cũng xác nhận, dân số Hà Nội hiện nay đều vượt so với quy hoạch. Quận Nam Từ Liêm hiện nay tỷ lệ giao thông đạt khoảng 60-70% so với quy hoạch.

"Nếu được triển khai đồng bộ, song song thì giao thông vẫn có thể đáp ứng được. Nhưng giao thông không kịp theo quy hoạch. Có quy hoạch rồi nhưng công trình (công trình, dự án nhà ở - PV) đầu tư trước, hạ tầng (hạ tầng giao thông - PV) đầu tư chậm hơn dẫn đến một số nơi tắc", vị đại diện nói.

PV Báo Giao thông đã liên hệ đặt lịch với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội để tìm hiểu về chỉ tiêu quy hoạch giao thông, cơ sở điều chỉnh tăng nhà ở, dân cư..., nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc "nhồi" nhà cao tầng vào các tuyến đường là đi ngược các nguyên lý về quy hoạch và thiết kế đô thị chuẩn mực của thế giới.

Một chuyên gia khác đề đạt, cần áp dụng ngay việc đánh giá tác động giao thông cho Hà Nội và Nam Từ Liêm để tránh tái diễn cảnh băm nát quy hoạch, tăng dân số, "nhồi" cao ốc vào các tuyến đường.

"Từ đó giao trách nhiệm quản lý cho 3 sở. Sở GTVT phải chủ trì, phê duyệt đánh giá tác động giao thông. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phê duyệt công trình chung cư đó trên cơ sở tiếp thu ý kiến của sở GTVT. Cuối cùng là Sở xây dựng, Sở Xây dựng có trách nhiệm cấp phép xây dựng và giám sát chủ đầu tư xây đúng theo thiết kế được cấp phép", vị chuyên gia nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Cận cảnh dự án ‘bánh vẽ’ ở Tây Nguyên

Dù chưa được cấp chủ trương đầu tư dự án, một số nhà đầu tư đã tới Đắk Lắk, Đắk Nông gom đất của dân, sau đó tự vẽ lên dự án đăng bán trên website, facebook để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hùng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN