Miếng bánh 5 tỷ USD: Vingroup “tham chiến” cùng FPT Retail và MWG

Nhiều ông lớn ngành bán lẻ cùng lấn sân sang dược phẩm, lĩnh vực được cho là đang nằm trong tay các cửa hàng thuốc truyền thống.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mới đây đã công bố dự thảo đại hội cổ đông thường niên cho năm 2019, trong đó một nội dung đáng chú ý là việc doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật số này định hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.

Theo kế hoạch, trong năm 2019 FPT Retail dự kiến mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. Công ty kỳ vọng sẽ nắm giữ khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới, qua đó mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail với doanh thu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. FPT Retail chính thức bước vào thị trường bán lẻ dược phẩm từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, đây không phải là ông lớn bán lẻ duy nhất tấn công vào lĩnh vực dược phẩm. Trước đó vào cuối năm 2017, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức mở cửa hàng thuốc tây đầu tiên có tên gọi An Khang. MWG đã mua lại chuỗi hệ thống phân phối của Phúc An Khang và đưa dược phẩm trở thành một phần trong hệ sinh thái kinh doanh của mình gồm điện máy, điện thoại, bán lẻ và dược phẩm.

Miếng bánh 5 tỷ USD: Vingroup “tham chiến” cùng FPT Retail và MWG - 1

Chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động

Chia sẻ với báo giới về động thái này, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho rằng rủi ro khi bước chân vào bán lẻ dược phẩm là rất thấp bởi quy mô các cửa hàng thuốc quá nhỏ so với khả năng của công ty. Ông Tài cho rằng nếu mảng này thất bại thì cũng không ảnh hưởng đến bức tranh chung của toàn công ty.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, một đại gia khác đã chính thức “tham chiến” trong miếng bánh bán lẻ dược phẩm đó là Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cuối năm 2018, Vingroup thông báo sẽ gia nhập vào mảng bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc VinFa nằm kế bên cửa hàng Vinmart+. Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2018 của Vingroup mới đây, Vingroup đã mua lại 9000 cổ phiếu và góp thêm 443 tỷ đồng để sở hữu 96,4% cổ phần của công ty VINFA.

Theo số liệu khảo sát của IBM, quy mô thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đạt giá trị khoảng 4,7 tỷ USD vào năm 2017. Dự báo đến năm 2021, con số này sẽ đạt 7,7 tỷ USD và tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tốc độ tăng trưởng 11% mỗi năm. Đây là một miếng bánh đủ lớn để các ông lớn bán lẻ tại Việt Nam khai thác.

Miếng bánh 5 tỷ USD: Vingroup “tham chiến” cùng FPT Retail và MWG - 2

Các cửa hàng Vinfa của Vingroup đặt cạnh chuỗi Vinmart+

Tuy nhiên, khi bước chân vào lĩnh vực dược phẩm, các đại gia bán lẻ sẽ gặp phải một đối thủ lớn là các cửa hàng thuốc truyền thống. Nhiều chuyên gia cho rằng khách hàng mua dược phẩm thường có thói quen đến cửa hàng kể bệnh, nhờ dược sỹ tư vấn và mua thuốc. Vì vậy, các cửa hàng thuốc nằm trong ngõ ngách khu vực dân cư sinh sống sẽ có lợi thế hơn so với các chuỗi hệ thống bán lẻ.

Bên cạnh đó, do trình độ chuyên môn của các dược sỹ là yếu tố quan trọng hàng đầu, các "ông lớn" mới gia nhập sẽ gặp khó khăn với đội ngũ nhân sự. Bởi việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên bán hàng trong các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với bán lẻ điện máy hay hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo về ngành dược của Công ty chứng khoán FPTS, các nhà bán lẻ dược phẩm truyền thống có hai điểm yếu là thiếu nhà phân phối và nhà cung ứng. Đây là hai mắt xích quan trọng khiến các cửa hàng này khó mở rộng được thị phần. Trong khi đó, tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hệ thống quản lý tốt và công nghệ hiện đại sẽ là một lợi thế giúp các đại gia bán lẻ có thể phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này.

Lộ kế hoạch khủng, “nữ tướng” vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung kiếm đậm

Dòng tiền suy giảm mạnh, thị trường vẫn có được sắc xanh sau hai phiên giảm điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN