Kinh tế năm 2024 bứt phá ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Năm 2023, kinh tế nước ta vẫn duy trì xu hướng phục hồi, một số lĩnh vực phục hồi rõ nét. Bước sang năm 2024, làm sao để chinh phục được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%?

Nhiều doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh đang tốt lên. Ảnh: Việt Linh

Nhiều doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh đang tốt lên. Ảnh: Việt Linh

Duy trì đà hồi phục

Nhìn lại năm 2023, trong bối cảnh hết sức khó khăn, bức tranh kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong khi hầu hết tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, xuống dưới 3%, thì GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05%. Đây là điểm sáng của khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% Quốc hội đề ra. Thặng dư thương mại hàng hoá đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Ước tính, giải ngân đầu tư công đạt 94,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 137,6 nghìn tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 23 tỷ USD.

Theo bà Hương, đây là mức đầu tư cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu đón 8 triệu khách. Điều này thể hiện Việt Nam hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn kinh tế, mà còn với cả người dân trên thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước. Sản xuất công nghiệp diễn biến tích cực, tốt dần lên vào các tháng cuối năm. Gần 70% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và ổn định so với quý trước. Hơn 70% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn trước.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm cho biết, đúng ra bức tranh kinh tế năm 2023 đã sắc nét, ấn tượng hơn nếu một số bất cập về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được tháo gỡ kịp thời; doanh nghiệp không phải đối mặt với khó khăn từ dòng tiền và thủ tục hành chính.

“Thật khó biện minh về tinh thần trách nhiệm người đứng đầu của 21 bộ, cơ quan Trung ương và 33 địa phương khi đến tháng 11/2023 còn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023 đã được Thủ tướng giao ngay từ đầu năm”, ông Lâm lo ngại.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này lưu ý, năm 2023, xuất siêu của nước ta đạt cao hơn so với năm trước, nhưng không phản ánh sức mạnh thực chất của nền kinh tế. Sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, khiến nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm. Cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều giảm; xuất siêu đạt cao nhưng kém bền vững, chưa thực sự đáng mừng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,8% cho năm 2024. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức 6%. Thậm chí, ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ 6,7% trong năm 2024.

Dồn lực cho “cỗ xe tứ mã”

Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6 - 6,5%. Nhiều kịch bản, dự báo của tổ chức trong, ngoài nước ủng hộ cho mục tiêu này, dù còn đó những lo ngại. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, đây là mục tiêu khá thách thức, nhưng có thể đạt được.

Ông Việt kỳ vọng, bên cạnh sự lan tỏa của đầu tư công, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng. “Cơ hội và thách thức cho tăng trưởng là đan xen. Việt Nam đã và đang khẳng định có thể đi ngược để duy trì, phục hồi đà tăng trưởng bền vững”, ông Việt nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Bích Lâm, năm 2024, tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã”: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; Thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế; Thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài Nhà nước để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Trao đổi với báo chí dịp đầu năm mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương thẳng thắn chỉ ra, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn là thời cơ thuận lợi. Khó khăn có thể kéo dài sang năm 2024, do đó, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được đặt ở vị trí ưu tiên.

Qua rà soát các động lực tăng trưởng, ông Phương chỉ ra, động lực từ tổng cầu thế giới, cụ thể là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thế giới giảm sút. Đơn hàng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm mạnh. Năm 2024, động lực về xuất nhập khẩu dự báo vẫn suy yếu. “Chúng ta cần tính đến những động lực còn lại, như tiêu dùng trong nước, đầu tư”, ông Phương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, thu hút FDI đang có mức tăng trưởng khá tốt. Hoạt động đối ngoại cấp cao và đối ngoại song phương, đa phương của Việt Nam trong năm 2023 tạo nền tảng quan trọng, tác động rất tích cực trong thu hút FDI. Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và đánh giá Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, điểm đến lâu dài.

Cùng với đó, Chính phủ cũng tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Năm 2023 số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng rất mạnh, đạt gần 160.000 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, vẫn còn điểm hạn chế đó là tỷ lệ vốn bình quân của doanh nghiệp đăng ký mới có giảm so với giai đoạn trước.

“Chúng ta cần có những đột phá về xây dựng chiến lược cũng như xây dựng các đề án, nhiệm vụ lớn của nền kinh tế như: cơ cấu lại nền kinh tế hay đổi mới mô hình tăng trưởng… các bộ, ngành, địa phương cũng cần lưu tâm, gắn chủ đề của năm 2024, đó là năm phát triển bứt phá để Việt Nam về đích.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 với lượng vốn khoảng 640.000 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2023. Với lượng vốn thấp hơn để phát huy được tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng, do đó, chúng ta cần quan tâm đến công tác giải ngân từ những tháng đầu năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Cuối năm, với 100 triệu tiền thưởng và tiết kiệm: Đầu tư kênh nào sinh lời nhất?

“Với 100 triệu đồng – là số tiền tiết kiệm và tiền thưởng cuối năm, tôi nên đầu tư kênh nào an toàn và sinh lời nhất?”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN