Giá xăng dầu giảm hơn 20%: Doanh nghiệp vận tải cần sòng phẳng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Gần một tháng qua, giá xăng dầu đã giảm sâu 20% nhưng giá cước vận tải ở Hà Nội vẫn không có biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động theo thị trường thì cần sự phản ứng phù hợp để vừa thể hiện sự sòng phẳng, vừa tôn trọng khách hàng.

Tại Bến xe Mỹ Đình chiều 25/7, PV Tiền Phong ghi nhận, giá cước xe khách liên tỉnh (giường nằm) chạy đến một số khu vực tại tỉnh Lào Cai đều được các hãng xe khách Sao Mai, Sao Việt niêm yết và bán cho khách với giá 210.000 - 220.000 đồng/lượt. Anh Thành, người dân tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thường xuyên đi Lào Cai, cho biết, giá cước như trên đã được bến xe và các hãng vận tải niêm yết tại đây nửa năm nay.

Tại Bến xe Giáp Bát, giá vé xe khách giường nằm đi thành phố Thanh Hóa và một số huyện đồng bằng đang được niêm yết 90.000 đồng/lượt. Giá vé xe khách chạy tuyến Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… là 80.000 đến 85.000 đồng/lượt; giá vé xe khách chạy tuyến Điện Biên là 370.000 đồng đến 420.000 đồng/lượt. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết, giá vé này đã được các doanh nghiệp vận tải chạy các tuyến trên niêm yết tại bến khoảng 5 tháng qua và đến nay (chiều 25/7) vẫn chưa có sự thay đổi.

Tương tự, khảo sát giá cước taxi ở Hà Nội hôm qua, PV Tiền Phong cũng ghi nhận, giá cước các hãng đang áp dụng và thu trên kilômét của khách vẫn đang được áp dụng từ nhiều tháng nay. Cụ thể, giá cước hãng taxi Mai Linh Miền Bắc đang áp dụng với dòng sedan là 20.000 đồng với giá mở cửa, giá đi dưới 30 km đầu là 15.600 đồng/km; Taxi G7 giá cước mở cửa với dòng sedan 5 chỗ là 20.000 đồng, giá đi dưới 30 km đầu là 15.000 đồng; Taxi Vạn Xuân giá cước xe Kia Morning mở cửa 8.000 đồng, giá chạy 30 km đầu là 10.000 đồng… Thông tin với phóng viên, tài xế chạy xe các hàng taxi này cho biết, đây là giá cước hãng đã áp dụng nhiều tháng nay và chưa có điều chỉnh từ ngày 20/7 (thời điểm xăng giảm 20% trong vòng 1 tháng) đến nay.

Còn “nghe ngóng”

Lý giải việc chưa điều chỉnh giá cước khi giá xăng tăng, ông Nguyễn Văn Đào, đại diện hãng xe Hào Hương chạy tuyến bến Giáp Bát (Hà Nội) - Thanh Hóa, cho biết, giá cước vận tải hiện nay được nhà xe duy trì từ đầu năm đến nay nên việc giá xăng dầu giảm 20% gần như trở lại với mức giá đầu năm. “Trong khi đó, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, phần lớn xe không hoạt động nên để duy trì việc đi lại, giữ chân khách, từ đầu năm đến tháng 6/2022 mặc dù giá xăng dầu nhiều lần tăng mức kỷ lục, nhưng xe khách của đơn vị đã không tăng giá vé”, ông Đào nói.

Taxi hoạt động ở Hà Nội Ảnh: Anh Trọng

Taxi hoạt động ở Hà Nội Ảnh: Anh Trọng

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, xác nhận, từ đầu năm đến tháng 6 vừa qua, giá xăng dầu có ít nhất 3 lần lập đỉnh mới, tuy nhiên khoảng 500 lượt xe xuất bến mỗi ngày tại bến trong thời gian này (công suất bến 1.200 lượt xe/ngày) đã không tăng giá vé. Đến nay, sau khoảng 1 tuần giá xăng giảm 20% so với tháng 6, bến xe cũng chưa ghi nhận có DN vận tải xe khách liên tỉnh nào thông báo điều chỉnh giá.

Ông Phạm Bình Minh, Giám đốc hãng Taxi Vạn Xuân, cho biết, đơn vị cũng đang theo dõi xem tình hình giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh sắp tới (1/8) tăng, giảm thế nào để có kế hoạch điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Theo ông Minh, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% giá cước vận tải nên để điều chỉnh, cần phải xét đến nhiều yếu tố khác.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nói rằng, khác với giá các loại hình vận tải khác, giá cước taxi và vận tải khách nói chung việc điều chỉnh rất phức tạp. Hầu hết giá cước taxi tài xế đang thực hiện trên đường hiện nay DN đã “cài” nhiều tháng nay mức ở giá xăng 27.000 đồng/lít để đỡ phải điều chỉnh nhiều lần.

Để điều chỉnh được giá cước taxi, đầu tiên phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng, sau đó in tem, nhãn niêm yết, điều chỉnh trên đồng hồ cước và kẹp chì. “Mỗi lần điều chỉnh giá cước như vậy các DN taxi cần ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng mới chuẩn bị, xử lý xong. Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội taxi các vùng miền đang có sự trao đổi, xem xét để đưa ra phương án giá cước taxi cho phù hợp thời gian tới ”, ông Hùng nói.

Tình trạng giá vé xe khách vẫn đang đứng yên nhiều tháng nay xảy ra với hầu hết các tuyến xe khách tại các Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa…

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Việt Nam, cho biết, nếu giá cước xe khách liên tỉnh từ đầu năm đến nay không có sự biến động thì giá cước taxi đã trải qua một số lần điều chỉnh sau khi giá xăng, dầu tăng cao vừa qua. Cụ thể, giá cước taxi năm 2021 với giá đi dưới 30 km đầu cao nhất khoảng 12.000 đồng/km, nhưng nay cao nhất đã là 15.500 đồng/km. Do vậy, có thể các thủ tục điều chỉnh giá phức tạp nhưng các DN vận tải và hiệp hội nghề nghiệp cũng nên có các giải pháp điều chỉnh giá cước cho phù hợp. “Đã hoạt động theo thị trường thì cũng phải có sự phản ứng, điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý. Việc này là vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, sòng phẳng, vừa tôn trọng khách hàng”, ông Quyền nói.

TPHCM: Cước vận tải hành khách vẫn “đứng im”

Đón nhận tin xăng dầu giảm giá mạnh, anh Nguyễn Thanh Hà, tài xế xe khách tuyến Tây Nguyên - TPHCM, cho biết vừa mừng, vừa lo. Mừng vì số lượng khách đi xe đã tăng trở lại, không còn cảnh lác đác vài khách như giai đoạn sau dịch COVID-19, nhưng lo vì không biết giá xăng dầu đã thật sự ổn định hay chưa. “Lúc cao điểm, giá dầu gần như tăng 100% so với thời điểm 1 năm trước. Đến nay sau nhiều lần giảm giá, thật sự thì đã bớt được một phần gánh nặng chi phí. Với việc khách đi xe đông trở lại, giá dầu cũng giảm thì chúng tôi đã thoát cảnh bù lỗ để duy trì hoạt động, giữ chân khách”, anh Hà chia sẻ.

Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông, TPHCM

Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông, TPHCM

Ông Đào Mạnh Trường, chủ xe khách liên tỉnh tuyến TPHCM - Hà Nội, nói rằng, vào lúc giá xăng đầu đạt đỉnh, mỗi chuyến xe, chi phí ông bỏ ra là khoảng 60 triệu đồng, trong đó tiền dầu chiếm 50% (khoảng 30-31 triệu đồng), số còn lại là tiền bến bãi, cầu đường, ăn uống... “Thời điểm sau dịch bệnh, khách rất ít, giá dầu lại tăng, chúng tôi phải cố gắng duy trì hoạt động vì để giữ khách. Trung bình mỗi chuyến xe, nếu may mắn thì chỉ hòa, còn không may khi hàng ít, khách ít, xe hư hỏng thì phải bù lỗ. Việc xăng dầu giảm giá mạnh là điều mà ai làm cũng mong muốn vì bớt được một phần gánh nặng”, ông Trường nói.

Đại diện một số nhà xe ở Bến xe Miền Đông (TPHCM) cho rằng, họ đã phải bù lỗ quá nhiều khi giá xăng dầu liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Do vậy việc giảm giá cước chưa thể thực hiện ngay.

Cần thêm thời gian

Lý giải việc xăng dầu giảm giá nhưng giá cước vẫn chưa điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng cần thêm thời gian để xem giá xăng dầu đã ổn định chưa. Từ đó, mới tiếp tục tính toán đến việc điều chỉnh giá cước.

Ông Trần Hữu Phạm, đại diện đơn vị vận tải tuyến Đà Nẵng - TPHCM, cho biết, từ chỗ phải chi từ khoảng 25-26 triệu đồng tiền dầu, phí cầu đường, lương của tài xế, phụ xe, nhân viên ở 2 đầu bến, thì nay do giá dầu giảm, chi phí trên cũng giảm về khoảng 21 triệu đồng. Bên cạnh đó, do đang trong mùa cao điểm du lịch hè, lượng khách tăng lên nên nhà xe bắt đầu có lãi nhẹ.

“Trong khoảng 3 tuần nay, lượng khách tăng khá cao, mỗi ngày nhà xe khai thác được 2 chuyến, chuyến nào cũng đầy khách nên lãi từ đó mà có. Lượng khách tăng là do hiện thời điểm hè, giá vé máy bay đang quá cao, nên nhiều người lựa chọn di chuyển bằng xe khách”, ông Phạm nói. Theo ông, giá xăng dầu vừa mới giảm mạnh nên cần thời gian để đánh giá xem đã ổn định chưa, có tăng trở lại không, bởi mỗi lần điều chỉnh giá vé thì phải xin phép điều chỉnh, niêm yết, chỉnh sửa chi phí sẽ gây tốn kém.

Nguồn: [Link nguồn]

Xăng, dầu liên tục lập kỷ lục mới, đại gia Việt lãi gấp hơn 9 lần kế hoạch cả năm

Nhờ giá xăng, dầu liên tục duy trì ở mức cao trong quý 2, đại gia này đã ghi nhận mức lãi vượt 10.000 tỷ đồng và lãi gấp 9 lần kế hoạch cả năm chỉ sau đúng 6 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Đảng - Hữu Huy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN