Doanh nghiệp vay ''tín dụng đen'' còn dễ hơn vay ngân hàng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù phía ngân hàng thông báo giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp cho biết hầu như không thể tiếp cận được. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen, vay tài chính với lãi suất cao để tồn tại. 

Theo Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, gạo đang trở thành điểm sáng khi tính đến ngày 15/5, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,3 triệu tấn, thu về hơn 1,7 tỷ USD, tăng 37,4% về lượng và 48,4 % về giá trị.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay rất thuận lợi, bởi nhu cầu dự trữ lương thực vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cho cả năm, và tích cực chuẩn bị hàng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để thu mua nguyên liệu.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, nhưng doanh nghiệp cần một lượng tiền lớn lưu động khi vào bước vào mùa vụ.

“Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng/ngày để thu mua lúa cho nông dân. Số tiền này chỉ có vay ngân hàng, nhưng đến nay doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn trong khi vụ thu hoạch sắp đến. Phía ngân hàng cũng không cho dùng lúa để thế chấp nên doanh nghiệp đành bó tay”, ông Bình cho hay.

Dù đang gặp "thiên thời", doanh nghiệp gạo vẫn gặp tình trạng đói vốn

Dù đang gặp "thiên thời", doanh nghiệp gạo vẫn gặp tình trạng đói vốn

Ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt so sánh hoàn cảnh doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo giống như “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn” bởi không có tiền.

“Doanh nghiệp thu mua 10 nghìn tấn gạo cần khoảng 150 - 200 tỷ đồng nhưng hiện không thể vay được. Chưa nói đến ngành lúa gạo đang gặp thuận lợi muốn thu mua 1 triệu tấn làm sao đủ tiền”, ông Nhựt nói, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị cần ban hành chính sách cho doanh nghiệp được tín chấp hoàn toàn khi đến vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, vốn tín dụng hiện là vấn đề đang được các thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào thời điểm thu hoạch chính vụ công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng theo thời điểm cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107 cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.

Không chỉ các doanh nghiệp lúa gạo, các doanh nghiệp thủy sản, gỗ đang rơi vào cảnh “khô máu” khi thiếu nguồn vốn hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen, vay tài chính với lãi suất cao để tồn tại.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện các nhà máy chế biến của doanh nghiệp rất khó khăn. Sản phẩm vừa không có đầu ra, vừa bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá đến 50% nhưng càng giảm nhà nhập khẩu càng sợ vì không biết giá đã xuống đáy hay chưa.

Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được, chưa nói đến việc người nuôi tôm và sản xuất tôm giống càng thấy xa vời.

Ngay cả doanh nghiệp số 1 ngành tôm hiện khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng

Ngay cả doanh nghiệp số 1 ngành tôm hiện khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng

"Ngành nuôi tôm của Việt Nam quá rủi ro, tỉ lệ thành công thấp nên ngân hàng không dám cho vay. Ngay cả vùng nuôi của Minh Phú, tập đoàn bảo lãnh ngân hàng cũng không vay được. Người nuôi tôm đang điêu đứng vì không có đầu ra”, ông Quang chia sẻ.

Ông Tô Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cung Việt (Bình Dương) cho biết, hiện các doanh nghiệp gỗ rất khó để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục thông báo các chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế doanh nghiệp vay phải cần nhiều điều kiện, thủ tục chồng chéo, nhiêu khê.

Do đó, Công ty TNHH Cung Việt đã chọn vay bằng thuê mua tài chính, thay vì vay ngân hàng dù phải chịu lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, khi cần đầu tư một gói máy móc khoảng 10 tỷ đồng, hình thức thuê mua tài chính sẽ cho vay 70% và thế chấp ngay bằng chiếc máy đó. Tuy nhiên, với ngân hàng thì không có, muốn vay doanh nghiệp phải thế chấp bằng nhà đất.

Điều đáng nói, khi ngành gỗ ở thời kỳ hưng thịnh, các thủ tục vay vốn tại ngân hàng dễ dàng hơn nhiều, doanh nghiệp có thể thế chấp để vay bằng chính đơn hàng của mình. Nhưng khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phía ngân hàng lại hành xử khác.

Nguồn: [Link nguồn]

15 ngày cải tạo ”thần tốc” nhà đất cũ nát của cụ ông 93 tuổi

Sau 15 ngày và khoảng 100 triệu đồng, căn nhà cũ nát, xuống cấp đã được cải tạo trở nên hiện đại, an toàn hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Phong ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN