Khóc ròng vì mua vàng cấp tốc lúc giá lên đỉnh

Khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp đứng ngoài cuộc lúc giá vàng tăng lên đỉnh cao nhất mọi thời đại thì nhiều nhà đầu tư tay mơ nóng ruột lao vào mua và gánh cái kết buồn.

Trong vòng một tháng qua, thị trường vàng trong nước liên tiếp ghi nhận những “cơn bão giá” lớn chưa từng có, đợt sóng sau cao hơn đợt sóng trước. Đỉnh điểm là vào ngày 6 và 7-8, giá vàng miếng SJC bật lên mức 62,45 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, cao nhất mọi thời đại.

Sau mức đỉnh trên, giá vàng liên tiếp lao dốc. Tính đến đầu giờ chiều qua (11-8), giá mua vàng miếng SJC chỉ còn 54,33 triệu và giá bán 56,19 triệu đồng/lượng. Với mức giá trên, những người mua vàng lúc trên đỉnh mất hơn 7 triệu đồng/lượng chỉ trong hơn ba ngày.

Khách hàng lỗ đậm

Anh Hoàng Tùng, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: Chiều 7-8, anh gọi điện thoại cho tiệm vàng quen để hỏi giá thì được báo giá vàng miếng SJC mua vào là 60 triệu đồng/lượng. Thấy giá cao, anh vội mang một lượng vàng ra tiệm chốt lời nhưng vừa tới nơi thì tiệm báo giá mua vào chỉ còn 59,5 triệu đồng/lượng.

“Không kịp chốt giá ở vùng đỉnh nhưng dù sao tôi cũng lời khoảng 1,5 triệu đồng/lượng” - anh Hoàng Tùng cho hay.

Tuy nhiên, những người kịp chốt lời lúc giá cao như anh Tùng không nhiều. Thậm chí, vào ngày 6 và 7-8, thời điểm giá vàng lên cao chót vót nhưng nhiều người vẫn kéo nhau đi mua vàng miếng SJC khiến mặt hàng này có thời điểm “cháy hàng”. Trong đó có người chi hơn 3 tỉ đồng mua vàng, còn những người mua 5-10 lượng không phải là ít.

Bà Thanh Hằng, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, thở dài: “Mua vàng lúc sóng cao vô cùng rủi ro”. Bà kể thấy mấy chị hàng xóm bàn tán xôn xao về giá vàng liên tục lập đỉnh mới, phá mọi kỷ lục nên cũng nóng ruột.

“Sợ giá vàng lên nữa và tiền mất giá, tôi rút tiền gửi ngân hàng và vay mượn đi mua hai lượng vàng SJC lúc hơn 62 triệu đồng/lượng. Vừa mua xong thì giá vàng lao dốc. So với giá lúc đỉnh vàng thì tôi đã bị thổi bay khoảng 7 triệu đồng/lượng. Đu theo giá vàng không cẩn thận tăng xông mà chết” - bà Hằng thở dài.

Thực tế không ít người trót mua vàng lúc giá cao chót vót cũng rơi vào tình cảnh như bà Hằng. Người mua nhiều lỗ nhiều, mua ít lỗ ít. Một nhà phân tích nhận định rất nhiều người có tâm lý lúc giá vàng biến động mạnh thì nghĩ giá vàng sẽ tiếp tục tăng nên cấp tốc mua vào. Điều này càng đẩy giá vàng đã cao càng tăng cao hơn nữa.

Ngược lại, khi giá vàng giảm, nhiều người lo giá vàng sẽ xuống tiếp nên vội vã bán ra. Chính tâm lý này khiến nhiều người lỗ nặng vì mua lúc giá cao nhưng bán lúc giá thấp.

Việc giá vàng miếng rơi quá nhanh chứng tỏ nhiều nhà đầu tư lo sợ vàng lao dốc nên nhanh chóng chốt lời trước khi quá muộn. Trong ảnh: Giao dịch tại một tiệm vàng. Ảnh: T.LINH

Việc giá vàng miếng rơi quá nhanh chứng tỏ nhiều nhà đầu tư lo sợ vàng lao dốc nên nhanh chóng chốt lời trước khi quá muộn. Trong ảnh: Giao dịch tại một tiệm vàng. Ảnh: T.LINH

Tiệm vàng bội thu

Quan sát thị trường cho thấy nhờ giá vàng tạo sóng rất mạnh trong những ngày qua nên những tiệm kinh doanh vàng lớn, hút nhiều khách giao dịch kiếm bộn tiền. Ông Nguyễn V., chủ một tiệm vàng nữ trang ở chợ An Đông, TP.HCM, tiết lộ: Ngoại trừ một thời gian ngắn nào đó, do khách bán quá nhiều khiến dòng tiền lưu động cạn kiệt hoặc giá vàng liên tiếp giảm sốc thì tiệm vàng tạm ngưng giao dịch bởi “những lúc giá liên tiếp giảm sốc mà cứ đổ tiền ra mua của khách thì không khác nào… ôm bom nổ chậm”. Còn bình thường, khi thị trường có nhiều sóng thì các tiệm vàng lớn mới thực sự bước vào “mùa bội thu”.

Lý do là khi giá vàng biến động khủng khiếp, các tiệm vàng sẽ kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán để giảm thiểu rủi ro, trong khi nhiều khách hàng vẫn lao vào mua bán sôi động. Chính điều này đem về khoản lợi nhuận tốt cho các cơ sở kinh doanh vàng lớn.

“Nhất là khi khách mua với số lượng lớn, các tiệm vàng chỉ cần gọi điện thoại báo số lượng, rồi ghi sổ nợ mà không tốn một đồng vốn nào hết. Nghĩa là họ đứng ở giữa mà kiếm lời cả triệu đồng mỗi lượng nên tính ra trong thời gian rất ngắn họ có thể kiếm được cả trăm triệu đồng một cách ngon lành” - ông V. nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, cũng phân tích: Để giảm thiểu thiệt hại trong thời điểm giá vàng biến động, các cơ sở kinh doanh vàng luôn nới rộng chênh lệch mua - bán rất xa, do đó dù giá tăng hay giảm thì chủ tiệm vẫn luôn là bên thắng đậm. Chỉ có người tiêu dùng, đầu tư lướt sóng là thiệt hại nặng nề mà thôi.

Thực tế, các công ty vàng luôn đưa ra giá mua bán đảm bảo họ luôn có lời. Thế nên mọi rủi ro khi vàng biến động thì khách hàng đều chịu hết. Không chỉ các công ty vàng mà các quỹ đầu tư lớn trên thế giới cũng đang lãi rất lớn.

Có thể tuột dốc không phanh

Công ty tư vấn Third Bridge có trụ sở tại Mỹ nhận định giá vàng có thể giảm xuống dưới mốc 1.600 USD/ounce sau bầu cử tổng thống Mỹ, trước khi phục hồi trong năm tới. Đặc biệt khi kinh tế Mỹ phục hồi, giá trị đồng USD tăng lên và gói kích thích kinh tế được rút về…, giá vàng có thể tuột dốc không phanh. 

Chìm nổi theo giá vàng

Nhận định về việc giá vàng rơi thẳng xuống quanh ngưỡng 56 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian ngắn, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, cho rằng: Ngoài việc do giá vàng thế giới đang điều chỉnh giảm còn có nguyên nhân giá vàng trong nước đã tăng quá nhanh so với đà tăng của giá vàng thế giới.

“Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới gần 5 triệu đồng/lượng, chủ yếu do nguồn cung vàng miếng SJC khan hiếm trong khi nhu cầu mua lại tăng đột biến” - ông Khánh nhận định.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị khi muốn bỏ vốn vào vàng, nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư trung, dài hạn và chỉ nên phân chia vốn nhàn rỗi với tỉ lệ 20%-30% vào vàng. Ngay cả khi muốn lướt sóng, nhà đầu tư cũng cần phải có kỹ năng phân tích các yếu tố địa chính trị, kinh tế, dịch bệnh… để chốt lời khi giá vàng đang điều chỉnh tăng và mua vào ở lúc giá vàng điều chỉnh xuống chứ không nên đầu tư theo tâm lý đám đông.

Nhận định về giá vàng trong thời gian ngắn, ông Huỳnh Trung Khánh dự báo vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng bởi tình hình dịch bệnh rất phức tạp trên toàn cầu; các quỹ đầu tư, ngân hàng trung ương tích cực mua vàng để phòng thủ; căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng… “Từ nay đến cuối năm giá vàng quốc tế có thể chạm mốc 2.300 USD/ounce, tương đương khoảng 65 triệu đồng/lượng” - ông Khánh dự báo.

Đồng ý với quan điểm trên, tuy nhiên nhiều nhà phân tích về vàng lưu ý hai sự kiện lớn có thể làm thay đổi diễn biến giá kim loại quý này là việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đặc biệt, việc sản xuất vaccine có thể làm xoay chuyển một số yếu tố tích cực hiện nay đối với giá vàng.

Giá vàng giảm còn 56 triệu đồng/lượng

Ngày 11-8, giá vàng tiếp tục giảm sâu. Giá vàng thế giới từ vùng 2.047 USD/ounce giảm xuống mức 1.993 USD/ounce vào lúc 13 giờ trưa qua, tương đương giảm 54 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 55,9 triệu đồng/lượng, giảm hơn 1,5 triệu đồng/lượng và rơi xuống mức giá thấp nhất trong vòng một tuần trở lại đây.

Cùng chiều với đà giảm của giá vàng thế giới nhưng tốc độ giảm của giá vàng trong nước lao nhanh đến chóng mặt. Đến đầu giờ chiều qua, hệ thống cửa hàng của SJC đồng loạt hạ giá mua - bán vàng miếng xuống mức 54,33-56,19 triệu đồng/lượng. Con số này giảm tới 2,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và giảm 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.

Giá vàng thế giới liên tục biến động và phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư lớn. Ảnh: TL

Giá vàng thế giới liên tục biến động và phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư lớn. Ảnh: TL

Nguồn cung vàng không thiếu, sẵn sàng can thiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020. Trong đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần theo sát biến động giá vàng thế giới và trong nước. Qua đó để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng khẳng định: Nguồn cung vàng trên thị trường không thiếu nhưng khi giá vàng tăng quá nhanh khiến người mua có tâm lý nôn nóng và cửa hàng kinh doanh vàng trục lợi đua nhau mua, đẩy giá lên. Giá vàng trong nước biến động chủ yếu do giá vàng thế giới tăng.

“NHNN luôn theo dõi sát sao diễn biến thị trường vàng, có đủ nguồn lực và sẽ can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” - ông Minh nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Vàng ”rơi” tự do, bất ngờ với cảnh tượng tại phố vàng Trần Nhân Tông

Vì mấy ngày nay lượng khách hàng giao dịch bán khá nhiều nên tùy từng thời điểm cửa hàng mới có sẵn tiền mặt để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN