Tập đoàn Hà Đô kinh doanh ra sao trước khi có Chủ tịch và Tổng giám đốc mới?

Trước khi có Chủ tịch và Tổng giám đốc mới, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong thời gian gần đây và nửa đầu năm 2024.

Chân dung Chủ tịch và Tổng giám đốc mới của Hà Đô

Sau phiên họp bất thường cuối tuần trước, đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Nguyễn Trọng Thông.

Thay thế ông Thông tại vị trí Chủ tịch HĐQT Hà Đô nhiệm kỳ 2024 - 2029 là ông Lê Xuân Long. Theo giới thiệu, ông Long sinh năm 1970, có trình độ chuyên môn là Thạc sỹ, Kỹ sư Xây dựng Cầu đường, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Trước khi gia nhập HDG năm 1999, ông Long đã có quãng thời gian làm Phó phòng kỹ thuật CT Cầu 13 Thăng Long; Tư vấn giám sát Tập đoàn Deawoo Corp.

Trong thời gian từ 1999-2001, doanh nhân sinh năm 1970 làm cán bộ kỹ thuật Công ty xây dựng Hà Đô, đến giai đoạn 2001-2005 được bổ nhiệm làm trưởng phòng TC-AT Công ty Hà Đô. Từ năm 2018 đến trước khi bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HDG, ông Long giữ vị trí thành viên HĐQT của tập đoàn. Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay ông Long cũng đang là thành viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Za Hưng.

Dù là một lãnh đạo cấp cao của HDG, ông Lê Xuân Long chỉ trực tiếp nắm giữ chưa tới 6.000 cổ phiếu của Hà Đô. Trong khi đó những người thân và liên quan của ông Long không nắm bất kỳ cổ phiếu nào tại doanh nghiệp này.

Ông Lê Xuân Long (trái) và ông Nguyễn Trọng Minh (phải) được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc mới của HDG

Ông Lê Xuân Long (trái) và ông Nguyễn Trọng Minh (phải) được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc mới của HDG

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Minh sinh năm 1987 là con trai cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông, có trình độ cử nhân Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Đại học Hamline – Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Trọng Minh được giới thiệu là thế hệ trẻ trong ban lãnh đạo của Tập đoàn Hà Đô. Ông Nguyễn Trọng Minh từng có thời gian làm Chuyên viên phân tích - CTCP chứng khoán MB; Chuyên viên, Kế toán trưởng - CTCP Đầu tư Xây dựng An Lạc 1.

Ông Nguyễn Trọng Minh gia nhập HDG năm 2014, trong thời gian 10 năm làm việc tại Công ty, ông đã từng giữ chức vụ Phó trưởng phòng Tài chính, Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Thành viên Hội đồng Quản trị. Từ năm 2022 đến trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc HDG, ông Minh đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty.

Hiện ông Nguyễn Trọng Minh đang trực tiếp nắm giữ hơn 715.000 cổ phiếu HDG, tương đương tỷ lệ 0,21% cổ phần của doanh nghiệp. 

Tập đoàn Hà Đô đang kinh doanh ra sao?

Tập đoàn Hà Đô được thành lập năm 1990, tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Năm 2010, Hà Đô chuyển thành mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Công ty đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, Hà Đô là chủ đầu tư của nhiều chung cư, khu đô thị như Hado Charm Villas quy mô 30 ha tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Centrosa Garden gần 7 ha ở quận 10 (TP HCM). Ngoài ra, tập đoàn này cũng có 3 nhà máy điện gió, mặt trời và 5 nhà máy thủy điện.

Việc chuyển giao các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Hà Đô diễn ra trong bối cảnh đơn vị đang đi xuống rõ rệt trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, doanh thu từ mức 4.999 tỷ đồng tại năm 2020, đã giảm dần xuống chỉ còn 2.889 tỷ đồng tại năm 2023. Lợi nhuận được duy trì trên 1.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, trong năm 2023, lợi nhuận đã giảm chạm đáy 866 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã được kiểm toán cho biết HDG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.398 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với doanh thu 1.560 tỷ đồng nửa đầu năm 2023.

Trong kỳ, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 697 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HDG giảm chỉ còn 701 tỷ đồng, giảm 184 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2023.

Nửa đầu năm 2024, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được điều tiết giảm đáng kể, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 16 tỷ đồng lên 21 tỷ đồng giúp HDG ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 433 tỷ dồng, giảm 70 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các khoản chi phí khác, HDG ghi nhận lợi nhuận kế toán trước thuế 444 tỷ đồng, giảm 54 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2023; lợi nhuận sau thuế 363 tỷ đồng, giảm 70 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hà Đô ghi nhận tổng tài sản đạt 14.028,3 tỷ đồng tại cuối quý 2/2024. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 472,3 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với đầu năm. Công ty cũng đang có khoản tiền gửi ngắn hạn 148,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Hà Đô đang tăng cường danh mục đầu tư chứng khoán, giá trị đầu tư đã tăng từ 386,6 tỷ đồng lên 539,2 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, phần lớn tài sản công ty nằm dưới dạng tài sản cố định, chiếm 8.784 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Đô đang ghi nhận nợ phải trả chiếm 6.601, tỷ đồng. Trong đó bao gồm 624,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 4.527 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Như vậy, tổng nợ vay ngắn và dài hạn đã lên tới hơn 5.100 tỷ đồng.

Với khoản nợ hơn 5.100 tỷ đồng này, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Đô đã phải chi tới 176 tỷ đồng để trả tiền lãi vay, tương đương mỗi ngày công ty phải chi gần 1 tỷ đồng trả lãi, chưa tính nghĩa vụ trả gốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc của ngân hàng PGBank, doanh nhân sinh năm 1980 này được giới thiệu đã có 21 năm kinh nghiệm trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN