Công bố người giữ chức Quyền Tổng giám đốc sau 5 tháng bỏ trống, PGBank đang làm ăn ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc của ngân hàng PGBank, doanh nhân sinh năm 1980 này được giới thiệu đã có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

PGBank có quyền Tổng giám đốc sau 5 tháng “ghế nóng” bỏ trống

Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần thịnh vượng và phát triển (PGBank) đã có những thay đổi về nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hương sinh năm 1980 được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền tổng giám đốc ngân hàng sau 5 tháng vị trí này bị bỏ trống. Trước đó, vào ngày 19/4, bà Đinh Thị Huyền Thanh có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc PGBank kể từ ngày 25/4 vì nguyện vọng cá nhân.  

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Văn Hương sinh năm 1980, có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ông Hương tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Đầu tư, và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Hương vừa được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền tổng giám đốc ngân hàng PGBank

Ông Nguyễn Văn Hương vừa được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền tổng giám đốc ngân hàng PGBank

Trong sự nghiệp của mình, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ cán bộ tín dụng, lên cấp quản lý khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, cũng như các kênh bán hàng quan trọng tại các ngân hàng quốc doanh và cổ phần lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank).

Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc PGBank, ông Hương đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB.

Sau quyết định này, ban điều hành của PGBank sẽ tăng lên 4 thành viên. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hương là quyền Tổng giám đốc; 3 Phó tổng giám đốc là ông Trần Văn Luân, ông Nguyễn Trọng Chiến và ông Lê Văn Phú.

Ai đang là chủ của PGBank?

Cùng với việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hương vào vị trí Quyền Tổng giám đốc, PGBank mới đây cũng đã công bố danh sách những cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của nhà băng. Theo số liệu cập nhật đến ngày 19/9, 3 cổ đông là tổ chức và 13 cổ đông cá nhân đang trực tiếp nắm giữ 97,4% vốn ngân hàng này.

Trong đó, đứng đầu là CTCP Quốc tế Cường Phát sở hữu 56,87 triệu cổ phiếu PGB, tỷ lệ 13,54% vốn. Người có liên quan đến doanh nghiệp này sở hữu 22.500 cổ phiếu PGB, tương ứng 0,005% vốn.

Cổ đông tổ chức thứ 2 là CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu 56,11 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 13,36% vốn. Cuối cùng là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng gần 13,1% vốn.

3 doanh nghiệp kể trên là những đơn vị đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Đối với các cổ đông cá nhân, đáng chú ý có ông Đinh Thành Nghiệp hiện là Thành viên HĐQT PGBank sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương gần 1,03% vốn điều lệ.

12 cổ đông cá nhân còn lại sở hữu 236,55 triệu cổ phiếu PGB, tương đương hơn 56% vốn ngân hàng. Các nhà đầu tư này lần lượt nắm giữ từ 14 triệu đến 21 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ từ 3,4% đến 4,92%. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà nắm 20,76 triệu cổ phần (4,944%), bà Văn Lê Hằng nắm 20 triệu cổ phiếu (4,78%), ông Trịnh Bình Long sở hữu 20,5 triệu cổ phần (4,884%)…

Về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 169 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng nửa đầu năm 2023. Năm nay, nhà băng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 554 tỷ đồng, sau 2 quý đầu năm, PGBank mới chỉ thực hiện được 38% kế hoạch đặt ra.

Tổng tài sản của nhà băng này ở mức gần 60.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng của nhà băng này chiếm 36.299 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của ngân hàng ở mức 55.664 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Khoảng 80% người trúng đấu giá đất với giá cao “chót vót” tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội bỏ cọc không chỉ khiến ngân sách địa phương hụt thu, mà còn làm cho những người có nhu cầu ở thực gặp nhiều khó khăn khi nền giá đất bị thổi lên tầm cao mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN